Một số nội dung cơ bản của Nghị quyết chuyển đổi số của ngành Kiểm sát nhân dân đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

Chủ nhật - 25/08/2024 22:20 109 0
Ngày 10/4/2024, Ban cán sự Đảng VKSND tối cao đã ban hành Nghị quyết số 129 - NQ/BCSĐ về chuyển đổi số của ngành Kiểm sát nhân dân đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nhằm tăng cường vai trò lãnh đạochỉ đạo của Đảng, để đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác chuyển đổi số ngành KSND thời gian tới, kịp thời, khắc phục những tồn tại hạn chế. Bài viết xin giới thiệu một số nội dung cơ bản của Nghị quyết 129- NQ/BCSĐ.
  Trước hết, về quan điểm chỉ đạo chung, Nghị quyết yêu cầu toàn ngành KSND phải nhận thức chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, yêu cầu khách quan chung của sự phát triển, trong đó xác định trách nhiệm của người đứng đầu VKSND các cấp có vai trò quyết định trong sự thành công của chuyển đổi số. Kiểm sát viên là trung tâm, chủ thể, mục tiêu và động lực của chuyển đổi số. Việc bảo đảm an toàn, an ninh mạng, bảo mật thông tin bí mật công tác là yếu tố xuyên suốt trong quá trình chuyển đổi số. Giải quyết các vấn đề theo hướng quản lý rủi ro ở từng bước, từng giai đoạn, từng cá nhân, tránh việc áp dụng máy móc, làm chậm quá trình chuyển đổi số. Viện kiểm sát nhân dân các cấp tập trung các nguồn lực về con người, về tài chính cũng như các điều kiện bảo đảm khác cho công nghệ thông tin, trong đó ưu tiên thuê dịch vụ công nghệ thông tin để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số của ngành KSND.
Về mục tiêu, Nghị quyết đề ra các mục tiêu chung và các mục tiêu cụ thể, gồm: công cuộc chuyển đổi số trong ngành Kiểm sát nhân dân là ứng dụng công nghệ số hiện đại để đưa toàn bộ hoạt động hành chính và một số hoạt động nghiệp vụ của ngành KSND lên môi trường số, đáp ứng yêu cầu tự động hóa và hướng tới hình thành kho dữ liệu số dùng chung để mỗi đảng viên, kiểm sát viên, công chức, viên chức, người lao động tiếp cận, khai thác sử dụng, đem lại kết quả công việc tốt hơn theo phương châm “Đột phá - Sáng tạo - Khoa học - Hiệu quả - An toàn”. Phấn đấu 100% vụ án hình sự được xử lý toàn trình trên môi trường số, bảo đảm dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống”; 100% hoạt động hành chính được thực hiện trên môi trường số; 100% hồ sơ vụ án, vụ việc trong Ngành đã đưa vào lưu trữ được số hóa, trên cơ sở đó hình thành kho dữ liệu số về các hoạt động nghiệp vụ kiểm sát. Định kỳ hằng năm, VKSND tối cao ban hành Kế hoạch chuyển đổi số của ngành KSND; trong đó, các mục tiêu cơ bản được bổ sung, điều chỉnh căn cứ Chương trình chuyển đổi số quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và các chỉ thị, nghị quyết, chiến lược, chương trình, kế hoạch, quy hoạch chuyển đổi số của ngành KSND.
Về nguyên tắc thực hiện, Nghị quyết đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thuộc VKSND tối cao, Viện trưởng VKSND các cấp trực tiếp chỉ đạo công tác chuyển đổi số và an toàn, an ninh mạng. Chuyển đổi số theo nguyên tắc 05 thống nhất: Hạ tầng thống nhất, tiêu chuẩn kỹ thuật thống nhất, nền tảng số thống nhất, quy định áp dụng thống nhất và dữ liệu thống nhất. Lựa chọn việc dễ làm trước, việc khó triển khai thí điểm, đánh giá trước khi mở rộng.
Về nhiệm vụ, giải pháp, Nghị quyết đã đề ra các nhiệm vụ giải pháp toàn diện, đòi hỏi sự tham gia, vào cuộc của các cấp, các đơn vị trong toàn ngành và đối với mỗi cán bộ, công chức, người lao động, với một số nội dung nổi bật như:
Thứ nhất, cần nâng cao nhận thức, kỹ năng về sự cần thiết, ý nghĩa, yêu cầu cấp bách của chuyển đổi số là khâu đầu tiên, quan trọng nhất trong tiến trình chuyển đổi số. Định kỳ tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng về chuyển đổi số và an toàn, an ninh mạng cho mỗi đảng viên, kiểm sát viên, công chức, viên chức, người lao động.
Thứ hai, hoàn thiện thể chế, xây dựng chính sách, quy chế, quy định quản lý truy cập, khai thác, sử dụng, chia sẻ dữ liệu số ngành KSND và cơ chế cung cấp dữ liệu theo hình thức dịch vụ; ban hành Quy hoạch dữ liệu số ngành KSND; Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy chế, quy định về nghiệp vụ.
Thứ ba về nguồn nhân lực
Đối với đội ngũ công chức, viên chức công nghệ thông tin, phải bố trí đủ, tăng cường và bảo đảm chất lượng, số lượng công chức, viên chức làm công nghệ thông tin tại VKSND các cấp; rà soát, đề xuất cơ chế, chính sách đãi ngộ, bảo đảm các điều kiện cần thiết để công chức, viên chức an tâm công tác, gắn bó với vị trí việc làm về công nghệ thông tin. Có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, đào tạo nâng cao về chuyển đổi số, an toàn, an ninh mạng; bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát cho công chức, viên chức công nghệ thông tin để việc triển khai chuyển đổi số gắn liền với nghiệp vụ kiểm sát. Đưa nội dung về công nghệ số, dữ liệu số vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát và chương trình giảng dạy cho sinh viên tại các cơ sở đào tạo trong Ngành.
Thứ tư, thống nhất tổ chức Ban Chỉ đạo chuyển đổi số và an toàn, an ninh mạng ngành KSND do đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao làm Trưởng Ban Chỉ đạo. Thành lập đơn vị sự nghiệp công lập về công nghệ số trực thuộc Cục Thống kê tội phạm và Công nghệ thông tin. Nghiên cứu mô hình tổ chức của đơn vị chuyên trách quản lý hoạt động nghiệp vụ kiểm sát, dữ liệu nghiệp vụ trên môi trường số.
Thứ năm, đối với vấn đề phát triển dữ liệu số, cần liên tục được thu thập, chuẩn hóa để mọi công chức, viên chức, người lao động trong Ngành có thể tiếp cận, khai thác sử dụng, phục vụ hiệu quả hơn trong công việc; chia sẻ, cung cấp dữ liệu số theo hình thức dịch vụ. Xây dựng kho dữ liệu số từ các nền tảng số dùng chung của Ngành, từ dữ liệu số của VKSND các cấp, liên thông với hệ thống thông tin, dữ liệu số của quốc gia, của các bộ, ban, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan, từ đó hình thành Cổng dữ liệu mở ngành KSND.
Thứ sáu, về giải pháp kỹ thuật
Phát triển hạ tầng số, tái cấu trúc hạ tầng công nghệ thông tin của VKSND các cấp, chuyển đổi hạ tầng công nghệ thông tin thành hạ tầng số thống nhất trong toàn Ngành; Thiết lập Mạng diện rộng ngành KSND; Nâng cấp Trung tâm dữ liệu VKSND tối cao.
Phát triển, triển khai các nền tảng số dùng chung trong toàn Ngành; Khuyến khích VKSND các cấp có những ý tưởng đột phá, xây dựng các nền tảng, ứng dụng, công cụ phục vụ công tác chuyên môn; Chủ động áp dụng công nghệ mới như: trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn, internet vạn vật,... trong triển khai các nền tảng số dùng chung ngành KSND.
Bảo đảm an toàn, an ninh mạng, phê duyệt và triển khai đầy đủ các biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh mạng theo cấp độ đối với các hệ thống thông tin trong ngành KSND. Trang thiết bị kỹ thuật, hệ thống thông tin, nền tảng số chỉ đưa vào sử dụng sau khi được kiểm tra, đánh giá bảo đảm an toàn, an ninh mạng.
Thứ bảy, tăng cường hợp tác, Học hỏi kinh nghiệm quốc tế về chuyển đổi số của những nước có mô hình tổ chức, hoạt động của ngành KSND tương đồng.
Thứ tám, hằng năm bố trí ngân sách để triển khai các nhiệm vụ về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; ưu tiên bố trí ngân sách với các nhiệm vụ cấp bách, quan trọng. Có giải pháp huy động nguồn lực bên ngoài để triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số cho VKSND các cấp.
Đây là lần đầu tiên Ban cán sự đảng VKSND tối cao ban hành Nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo riêng đối với công tác chuyển đổi số của ngành Kiểm sát nhân dân, tạo khí thế, trọng trách mới đối toàn thể các đơn vị, cá nhân trong toàn ngành Kiểm sát nhân dân, cũng như VKSND hai cấp tỉnh Nghệ An trong quyết tâm thực  hiện.
 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây