Chiều ngày 31/3/2025, tại Hội trường VKSND tỉnh Quảng Nam, VKSND tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội nghị chuyên đề “Kỹ năng phát hiện vi phạm để kiến nghị, kháng nghị phúc thẩm hình sự”.
Toàn cảnh Hội nghị
Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến; trực tuyến từ điểm cầu trung tâm Viện KSND tỉnh đến 17 điểm cầu Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện. Tại điểm cầu trung tâm, đến dự và chỉ đạo Hội nghị có các đồng chí Trần Hoài Nam – Tỉnh ủy viên, Viện trưởng VKSND tỉnh; các đồng chí Phó Viện trưởng Nguyễn Ngọc Tỉnh, Nguyễn Hữu Khoa, Nguyễn Thị Kim Hồng cùng tập thể công chức Phòng 7; đại diện lãnh đạo các Phòng 1, 2, 3 & Văn phòng, Thanh tra - Khiếu tố Viện tỉnh. Tại các điểm cầu VKSND cấp huyện có sự tham gia của Viện trưởng; Phó Viện trưởng; các Kiểm sát viên, chuyên viên THQCT-KSXX án hình sự.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Tỉnh- Phó Viện trưởng phát biểu tại Hội nghị
Tại Hội nghị, đồng chí Phó Viện trưởng Nguyễn Ngọc Tỉnh phát biểu khai mạc, đề ra yêu cầu mục đích là tiếp tục nghiên cứu sâu hơn, kỹ lưỡng hơn Hướng dẫn số 34/HD-VKSTC ngày 29/11/2022 của Vụ 7 VKSND tối cao; quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự, Bộ luật Hình sự và thực tiễn công tác để duy trì, nâng cao chất lượng kiến nghị, kháng nghị phúc thẩm hình sự trong thời gian còn lại của năm công tác 2025 và những năm tiếp theo đồng thời tập hợp những khó khăn, vướng mắc, bất cập để báo cáo xin ý kiến chỉ đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Hội nghị đã diễn ra sôi nổi, tập trung, thiết thực dưới sự điều hành chủ trì của đồng chí Phó Viện trưởng Nguyễn Ngọc Tỉnh. Hội nghị nghe Báo cáo chuyên đề “Kỹ năng phát hiện vi phạm để kiến nghị, kháng nghị phúc thẩm hình sự ngành Kiểm sát tỉnh Quảng Nam” và các tham luận của các Viện kiểm sát cấp huyện. Hội nghị đã một lần nữa xác định Hướng dẫn số 34/HD-VKSTC ngày 29/11/2022 của Vụ 7 VKSND tối cao vừa có tính chất tổng quát vừa cụ thể, rõ ràng chi tiết giúp phát hiện vi phạm để kháng nghị, kiến nghị; bảo vệ kháng nghị đồng thời xác định nhiệm vụ, trách nhiệm của Kiểm sát viên; của lãnh đạo VKSND 2 cấp đã vận dụng sáng tạo, nhuần nhuyễn vào công tác kiến nghị, kháng nghị phúc thẩm đạt chất lượng. Các đại biểu tham gia Hội nghị cũng đã nêu ra những hạn chế về cơ sở của trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 2 Bộ luật Hình sự đối với một hành vi phạm tội hoặc một chuỗi hành vi phạm tội như nhau lặp đi lặp lại xâm phạm hai khách thể được Luật Hình sự bảo vệ thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hai tội hay một tội hoặc xung đột quy định tại Điều 3 Bộ luật Hình sự quy định nguyên tắc xử lý và Điều 35 Bộ luật Hình sự quy định hình phạt tiền. Một số văn bản hướng dẫn nghiệp vụ đơn ngành của Toà án nhân dân tối cao; Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Bộ Công an có nội dung chỉ đạo quan trọng buộc các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự phải thực hiện như định tội danh; đồng phạm; kết luận giám định tư pháp,... nên chỉ được cơ quan ban hành văn bản đơn ngành thực hiện đúng thời hạn còn các cơ quan tố tụng khác gặp khó khăn hoặc chậm trễ khi thực hiện dẫn đến phải kháng nghị phúc thẩm, thậm chí phải kháng nghị giám đốc thẩm.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Ngọc Tỉnh- Phó Viện trưởng ghi nhận, biểu dương những kết quả của ngành Kiểm sát trong thời gian qua về công tác kiến nghị và kháng nghị; chất lượng kiến nghị, kháng nghị phúc thẩm án hình sự ngày càng được nâng cao. Đồng chí cũng yêu cầu cần phổ cập, nhân rộng, duy trì kỹ năng phát hiện vi phạm để kiến nghị, kháng nghị phúc thẩm án hình sự. Hội nghị tiếp cận đa chiều về những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thực hiện kiến nghị, kháng nghị phúc thẩm án hình sự; các bất cập, chồng chéo trong quy định của pháp luật hiện hành; đề ra biện pháp phối hợp khắc phục và tổng hợp đề xuất với VKSND tối cao, các ngành trung ương sửa đổi, bổ sung pháp luật phù hợp, khả thi nhằm nâng cao chất lượng kiến nghị, kháng nghị phúc thẩm án hình sự ngang cấp và trên cấp.
Qua Hội nghị giúp tất cả Kiểm sát viên, công chức VKSND tỉnh Quảng Nam tiếp thu kiến thức, kỹ năng và đề cao sự sáng tạo để duy trì, nâng cao chất lượng kiến, kháng nghị phúc thẩm hình sự.
Võ Hồng Lợi- Phòng 7