Chuyển đổi số toàn diện, hiệu quả và phù hợp...
Những ngày cuối tháng 4/2022, ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: UBND tỉnh đang tập trung chỉ đạo các ngành, địa phương đẩy mạnh chuyển đổi số, xem đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của các đơn vị.
"Trước hết là tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số.
Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp chịu trách nhiệm trực tiếp về chuyển đổi số trong cơ quan, đơn vị, tổ chức, lĩnh vực, địa bàn phụ trách; tiên phong, đi đầu trong việc chuyển đổi số để nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của địa phương, đơn vị", ông Bửu nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông Hồ Quang Bửu còn nhấn mạnh về chuyển đổi số đối với Quảng Nam, đó là cần thực hiện đồng bộ chuyển đổi số từ trên xuống và từ dưới lên, mỗi huyện, thị xã, thành phố chủ động lựa chọn một đơn vị cấp xã để triển khai thử nghiệm công tác truyền thông, phổ biến các kỹ năng số cơ bản cho người dân, bao gồm các kỹ năng cơ bản như, truy cập và sử dụng Internet, thư điện tử, mua bán trực tuyến, thanh toán điện tử, dịch vụ công trực tuyến và bảo đảm an toàn thông tin cá nhân.
"Đặc biệt, sớm hoàn thiện các cơ chế, chính sách, chương trình kế hoạch về chuyển đổi số để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp chuyển đổi số toàn diện, hiệu quả, phù hợp với môi trường số; tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; tích cực thu hút các doanh nghiệp số đầu tư vào tỉnh; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực phục vụ quá trình chuyển đổi số", ông Bửu nói.
Cũng theo ông Bửu, để chuyển đổi số trong doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước, trước mắt cần đầu tư phát triển hạ tầng số, nền tảng số đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, chỉ đạo các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp hạ tầng và nền tảng số trong công tác bảo đảm an toàn thông tin.
Phát triển hạ tầng chính quyền số phục vụ cơ quan nhà nước trên cơ sở kết hợp thế mạnh của mạng truyền số liệu chuyên dùng, mạng Internet, trung tâm dữ liệu của cơ quan nhà nước để phục vụ kết nối liên thông, xuyên suốt từ cấp tỉnh đến cấp xã. Tập trung xây dựng hệ thống giao thông thông minh, hệ thống giám sát an ninh thông minh, số hóa lĩnh vực tài nguyên, môi trường, y tế, giáo dục...
Ngoài ra, UBND tỉnh Quảng Nam còn triển khai các chương trình đào tạo, đào tạo lại kỹ năng lãnh đạo, quản lý chuyển đổi số cho người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, giám đốc điều hành các doanh nghiệp. Tổ chức đào tạo, đào tạo lại, nâng cao kỹ năng số cho người lao động tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp của tỉnh. Hình thành văn hóa số, chuẩn bị nguồn nhân lực cho chuyển đổi số để phát triển xã hội số, để không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình chuyển đổi số.
Được biết, đối với Quảng Nam đề án chuyển đổi số xác định lấy doanh nghiệp và người dân làm trung tâm. Điều này sẽ được cụ thể hóa thế nào trong hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính hướng tới phục vụ tốt hơn, đáp ứng nhu cầu người dân và doanh nghiệp.
Để làm được điều này, Quảng nam đang nâng cao nhận thức của người đứng đầu, đội ngũ cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước về ứng dụng CNTT và tầm quan trọng của chính quyền điện tử, chính quyền số. Trong đó, người đứng đầu các cấp, các ngành, cơ quan đơn vị cần hiểu đúng đắn về CNTT, nâng cao trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành và có sự vào cuộc mạnh mẽ của cán bộ, công chức để đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào hoạt động.
Bên cạnh đó, phải xây dựng được đội ngũ cán bộ giỏi về CNTT, đồng thời cũng phải có đội ngũ cán bộ giỏi cải cách, giỏi thủ tục, giỏi quản trị. Để thực hiện việc này, cần phối hợp với các đơn vị tổ chức đào tạo chuyên sâu cho các cán bộ chuyên trách về CNTT; đào tạo kiến thức nâng cao về quản trị mạng cho cán bộ CNTT chuyên trách tại các cơ quan nhà nước.
"Quảng Nam sẽ triển khai xây dựng chính quyền điện tử gắn kết chặt chẽ với CCHC, đặc biệt là cải cách TTHC nhằm tăng cường tính hiệu quả, bền vững.
Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan nhà nước nhằm nâng cao tỷ lệ gửi, nhận văn bản dưới dạng điện tử; tăng cường tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến (thuế, phí, lệ phí, viện phí,...) trên cổng dịch vụ công quốc gia để giảm thời gian, chi phí thực hiện, hạn chế tiếp xúc trực tiếp nhưng vẫn đảm bảo thông suốt, hiệu quả trong cung cấp dịch vụ công, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19", ông Bửu chia sẻ.
Khi doanh nghiệp hướng đến chuyển đổi số
Đối với doanh nghiệp ở Quảng Nam thực hiện chuyển đổi số đang là bước đột phá tích cực, nhiều doanh nghiệp, người dân đã mạnh dạng hướng tới chuyển đổi số, hướng tới thời công nghệ 4.0.
Chẳng hạng như hướng đến cụ thể hóa việc thực hiện chủ trương chuyển đổi số của ngành điện và địa phương, Công ty Điện lực Quảng Nam (PC Quảng Nam) đã sớm triển khai chuyên mục "điện lực" trong mục "dịch vụ thiết yếu" trên ứng dụng "Smart Quang Nam" từ tháng 6/2021.
Để sử dụng các dịch vụ điện lực trên ứng dụng Smart Quảng Nam, người dân hoặc doanh nghiệp cài đặt App Smart Quảng Nam trên IOS hoặc android trên thiết bị di động thông minh có kết nối internet; truy cập vào mục "dịch vụ thiết yếu", trong đó có chuyên mục "điện lực" để sử dụng các dịch vụ ngành điện.
Đại diện Công ty Điện lực Quảng Nam cho biết: Chuyên mục "điện lực" cung cấp cho người dân, khách hàng sử dụng điện các tiện ích như dễ dàng tra cứu thông tin tiền điện, thanh toán tiền điện trực tuyến, đăng ký dịch vụ điện trực tuyến, tiện ích ước tính hóa đơn tiền điện, mục hướng dẫn người dân sử dụng điện an toàn và tiết kiệm, tra cứu lịch tạm ngưng cung cấp điện theo kế hoạch được cập nhật hàng tuần, kế hoạch bổ sung giúp người dân và doanh nghiệp nắm bắt thông tin kịp thời để chủ động sắp xếp công việc, hoạt động sản xuất kinh doanh hợp lý.
"Trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, người dân có thể thanh toán tiền điện trực tuyến hoặc đăng ký các dịch vụ điện trực tuyến trên ứng dụng. Đây là những tiện ích phục vụ nhu cầu thiết yếu liên quan dịch vụ điện của người dân và doanh nghiệp trên môi trường số, góp phần mang lại sự kết nối thuận lợi và thông tin kịp thời đến khách hàng sử dụng điện.
Thời gian đến, PC Quảng Nam sẽ phối hợp Sở TTTT tỉnh tiếp tục nâng cấp và bổ sung thêm các tiện ích hữu ích về dịch vụ điện trong chuyên mục "điện lực" nhằm phục vụ tốt hơn nữa yêu cầu của người dân và doanh nghiệp", đại diện PC Quảng Nam cho biết.
Ý kiến bạn đọc