Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Nam, đến nay tỉnh đã đầu tư, xây dựng, đưa vào vận hành các ứng dụng dùng chung tạo nền tảng để hình thành Chính quyền điện tử trên địa bàn, qua đó góp phần phục vụ đắc lực cho công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo, nâng cao hiệu quả quản lý của các cơ quan nhà nước, chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần thực hiện cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh. Số lượng dịch vụ công trực tuyến mức 3, mức 4 đạt 41%.
Các đơn vị đã kết nối với hệ thống thanh toán trực tuyến Chính phủ, cho phép người dân, doanh nghiệp thực hiện các giao dịch trực tuyến mức độ 4 thuận tiện, tiết kiệm thời gian, chi phí giải quyết thủ tục hành chính; triển khai đồng bộ, kết nối liên thông 3 cấp tỉnh – huyện – xã các hệ thống dùng chung như quản lý văn bản, điều hành tác nghiệp, đáp ứng yêu cầu gửi nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan nhà nước trên địa bàm.
Năm 2020, tỉnh chính thức triển khai các hệ thống quan trọng của Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC), nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP), hệ thống thông tin báo cáo cấp tỉnh (LRIS), góp phần hoàn thiện nền tảng Chính quyền điện tử.
Công tác chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh thời gian qua được triển khai tích cực, đúng định hướng, đạt được một số kết quả thiết thực, góp phần thực hiện cải cách hàn chính trên địa bàn.
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số của tỉnh còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế. Hạ tầng kỹ thuật chưa được đầu tư đồng bộ, hệ thống mạng WAN, hội nghị truyền hình, Trung tâm Tích hợp dữ liệu chưa đáp ứng yêu cầu. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước chưa đồng bộ, hiệu quả chưa cao.
Việc chuyển đổi số đặt ra nhiều thách thức cả về kinh tế, xã hội, nhất là ở các vùng khó khăn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác đấu tranh với tội phạm trên không gian mạng, bảo đảm an toàn, an ninh mạng còn khó khăn, thách thức. Chất lượng nguồn nhân lực công nghệ thông tin thấp...
Tại hội nghị, Ban thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam đã đưa ra Nghị quyết phấn đấu đến năm 2030, việc chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện trên phạm vi toàn tỉnh, đưa Quảng Nam vào nhóm các tỉnh, thành phố thực hiện chuyển đổi số tốt; hình thành, phát triển môi trường số an toàn, tiện ích, phục vụ tối đa nhu cầu sản xuất, kinh doanh cũng như sinh hoạt cộng đồng của người dân...
Theo đó, từ nay đến năm 2025, tỉnh Quảng Nam tập trung phát triển 90% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau; 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện, 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; 100% các sở, ban, ngành hoàn thành triển khai các cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ công tác quản lý, kết nối, chia sẻ trên toàn tỉnh; 50% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý.
Mục tiêu tiếp theo là: phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, phấn đấu kinh tế số chiếm 10% GRDP. Hạ tầng mạng băng thông rộng cáp quang phủ trên 70% hộ gia đình, 100% xã. Phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh. 50% dân số có tài khoản thanh toán điện tử.
Tỉnh Quảng Nam cũng định hướng đến năm 2030 là phát triển chính quyền số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau; 100% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 90% hồ sơ công việc tại cấp huyện, 70% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; hình thành nền tảng dữ liệu, hạ tầng kết nối mạng Internet vạn vật (IoT), kết nối, chia sẻ rộng khắp giữa các cơ quan nhà nước; mở dữ liệu cho các tổ chức, doanh nghiệp..../.
Ý kiến bạn đọc