THỰC TRẠNG, GIẢI PHÁP TRONG VIỆC BẢO VỆ CÂY ƯƠI

Chủ nhật - 19/03/2023 23:41 7.806 0
1. Đôi nét về cây ươi
Cây Ươi còn gọi là cây đười ươi, cây thạch, ươi bay, bàng đại hải, an nam tử, …, tên khoa học là Storeulia lychnophlora Hance (Sterclia lyhnophora Hance). Loài này thuộc chi Ươi, họ phụ Trôm của họ Cẩm Quỳ. Cây Ươi là cây thân gỗ cao từ 20m-30m, thuộc loại cây thượng tầng của rừng và phải từ trên 10 năm tuổi mới cho hoa, kết trái, cây không thuộc loại tái sinh. Cây ra hoa vào tháng 3 và trái chin từ tháng 6 đến tháng 8, quả màu nâu đỏ, bên ngoài nhăn nheo. Khi ngâm quả Ươi vào nước, quả sẽ nở ra lớn hơn 8-10 lần thể tích vốn có. Hạt của nó (hạt ươi) được sử dụng trong y học cổ truyền có tác dụng thanh nhiệt và cũng có thể dùng để trị chứng rối loạn tiêu hóa hoặc làm mát cổ họng. Đặc biệt là cây Ươi cho quả theo chu kỳ 04 năm một lần nên nó có giá trị kinh tế rất cao. Cây Ươi không tập trung trong khắp cả nước mà chỉ tập trung ở vùng rừng các tỉnh Miền Trung và Nam Bộ của nước ta.

Theo thông tin của ngành chức năng tỉnh Quảng Nam, trước đây, diện tích cây lười ươi ở Quảng Nam có khoảng 1.000 ha, tập trung ở các huyện Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang, Trà My, Phước Sơn. Tuy nhiên, do những năm gần đây, giá hạt lười ươi (khô) liên tục tăng, để có nhiều hạt lười ươi, nhiều nơi, “ươi tặc” không ngần ngại khai thác theo kiểu tận diệt - hạ cây lấy trái - khiến diện tích cây ươi thu hẹp chỉ còn khoảng 100 ha. Hiện nay, 1 kg hạt ươi khô có giá bán dao động từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng, có nơi hơn 300.000 đồng/1kg.

Đây được xem là loại sản vật có giá trị kinh tế cao của núi rừng Quảng Nam nhưng lại chưa được xem xét, phân loại, đánh giá đúng giá trị để bảo tồn và phát huy. Hiện nay việc thu hoạch hạt Ươi mang tính tự phát mà chưa có định hướng để quản lý, không giống như một số quốc gia có loại cây này, như Lào chẳng hạn: Nó được thu thập là loại sản phẩm chính ngoài gỗ ở Lào, và có giá trị xuất khẩu sau cây cà phê ở nước này. Do vậy, bảo vệ cây ươi là vấn đề cấp thiết đặt ra của nhiều địa phương.
2. Thực trạng khai thác cây Ươi và bất cập trong xử lý hình sự
Trong thời gian qua, trên địa bàn huyện NS, tỉnh QN, Hạt Kiểm lâm huyện đã phối hợp với các ngành chức năng tuần tra, kiểm tra phát hiện có tổng cộng 10 cây Ươi bị chặt hạ tại các Tiểu khu 444, 446 thuộc xã PN, huyện NS, tỉnh Quảng Nam. Trong đó, Tiểu khu 444 có 06 cây Ươi, mỗi cây có đường kính từ 30 cm đến 42 cm; với tổng khối lượng khoảng 7,199 m3, trong đó: cây nhỏ nhất có đường kính 30cm, chiều dài thân 14m, khối lượng 1,197m3; cây lớn nhất có đường kính 42cm, chiều dài thân 13m, khối lượng 1,801m3. Tại Tiểu khu 446 có 04 cây Ươi, mỗi cây có đường kính từ 31 cm đến 40 cm; với khối lượng khoảng 4,396 m3 (không có cây nào có khối lượng 03 mét khối trở lên). Số cây Ươi bị chặt hạ nằm trong khu vực Đá Cục (04 cây), khu vực Khe Rau (06 cây) và đều bị tác động bởi con người (chặt hạ bằng rựa, rìu hoặc cắt bằng cưa máy). Quá trình điều tra, xác minh đã làm rõ được 01 đối tượng chặt hạ 01 cây Ươi (cây này cũng chỉ hơn 01m3). Theo quy định của pháp luật thì hành vi (đã làm rõ nhân thân, lai lịch người vi phạm) này chỉ vi phạm hành chính nên Hạt Kiểm lâm đã tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện NS, tỉnh QN ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 25.000.000 đồng. Số cây Ươi còn lại đến nay vẫn chưa xác định được đối tượng chặt phá.
Theo quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 232 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản như sau: “Khai thác trái phép rừng đặc dụng là rừng tự nhiên từ 03 mét khối (m3) đến dưới 08 mét khối (m3) gỗ loài thực vật thông thường hoặc từ 01 mét khối (m3) đến dưới 03 mét khối (m3) gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIA” thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Theo quy định trên thì về cơ bản gần như quá khó khăn để xử lý triệt để việc khai thác cây Ươi theo hướng tận diệt như hiện nay, bởi các lẽ sau:
Thứ nhất, khi mùa Ươi bay cũng là mùa mà người dân vào rừng và lượm hạt cây Ươi rất đông, rất khó để các cơ quan chức năng giám sát, quản lý hết và khi người dân vào rừng họ không có bất kỳ sự cam kết, ràng buộc nào về việc người dân chỉ nhặt hạt Ươi và không được chặt hạ cây Ươi trong khu vực mình đến. Có chăn là việc các cơ quan quản lý, các chốt kiểm soát chỉ ngăn chặn được việc họ đem rựa, rìu, cưa máy vào rừng mà thôi. Khi đã vào được trong rừng rồi thì họ làm những gì, làm như thế nào rất khó kiểm soát. Lúc này, vì lòng tham và để tận thu người dân sẵn sang chặt hạ cây Ươi để thu lợi. Do vậy, mà người dân có chặt hạ cây Ươi thì cơ quan chức năng cũng không kiểm soát hết được vì số lượng người thực thi nhiệm vụ quá mỏng mà người đi thu lượm hạt Ươi gấp nhiều lần lực lượng chức năng.
Thứ hai, theo quy định của điều luật ở trên thì khối lượng gỗ phải từ 03 mét khối (m3) trở lên mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng thực tế thì mỗi cây Ươi bị chặt hạ gần như không có cây nào có khối lượng từ 03 mét khối (m3) trở lên vì đa phần các cây Ươi lớn đã bị chặt hạ trong những mùa Ươi đã qua mà cây này lại thuộc nhóm cây không tái sinh. Cây con từ nhỏ cho đến lớn, cho quả phải từ 10 năm trở lên chứ không phải ít. Do đó, trữ lượng gỗ của mỗi cây Ươi bị chặt hạ tương đối nhỏ, khi lực lượng chức năng phát hiện bắt giữ hoặc làm rõ đa phần chỉ dừng lại ở mức xử phạt vi phạm hành chính. Mặt khác, như thực trạng ở trên có 02 luồng ý kiến khác nhau:
Một là, tổng khối lượng các cây Ươi bị chặt hạ là trên 03 mét khối (m3) nên phải khởi tố vụ án hình sự để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Hai là, do ngay từ đầu đã không xác định được đối tượng chặt phá, chặt phá bao nhiêu cây và trữ lượng gỗ là bao nhiêu nên không thể khởi tố vụ án hình sự được. Nếu khởi tố, qua điều tra xác định được đối tượng, được trữ lượng gỗ dưới 03 mét khối thì phải đình chỉ vụ án vì hành vi không cấu thành tội phạm. Thực tế thì khi tiến hành khám nghiệm hiện trường xác định, các cây Ươi tuy nằm trong cùng một tiểu khu nhưng khoảng cách rất xa, có khi 02 cây gần nhau nhưng lại bị chặt hạ bằng 02 hình thức khác nhau (cây bị chặt bằng rìu, cây bị cắt bằng cưa máy). Cá biệt, có cây bị chặt hạ nhiều lần.
Thứ ba, cây Ươi thuộc loại gỗ thường và nằm ở nhóm VII theo Quyết định số 2198-CNR ngày 26/11/1977 của Bộ Lâm nghiệp ban hành bảng phân loại tạm thời các loại gỗ sử dụng thống nhất trong cả nước. Về cơ bản, Quyết định này đã có chiều dài lịch sử góp phần rất lớn vào việc phân loại gỗ và nó đã giúp cho việc điều tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về rừng nhưng có những quy định tại quyết định này không theo kịp với sự phát triển của đất nước. Từ đó đến nay, cây Ươi được phân loại thuộc nhóm VII là loại cây gỗ thông thường không có giá trị nhưng thực tế giá trị của cây Ươi không nằm ở gỗ mà nằm ở hạt Ươi. Chính vì chúng ta đánh giá chưa đúng về giá trị kinh tế của cây Ươi nên việc bảo vệ cây Ươi chưa tốt để rồi mỗi một mùa ươi bay lại xuất hiện tình trạng “tận diệt” cây Ươi, làm cho chính quyền các cấp gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý, bảo vệ loại sản vật núi rừng này, gây nên tình trạng bức xúc trong dư luận về việc buông lỏng quản lý.
Thứ tư, ý thức của người dân trong việc bảo tồn, bảo vệ, phát triển loài cây sinh lợi này chưa cao bởi ý thức rằng: nó là của rừng, ai thu được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Sự vào cuộc của các lực lượng chức năng đôi lúc, đôi nơi chưa triệt để, vai trò tuyên truyền, phổ biến nâng cao ý thức, tầm nhìn về giá trị kinh tế của cây Ươi chưa được xem trọng dẫn đến tình trạng “tận diệt” cây Ươi vì lợi ích cá nhân.
3. Kiến nghị, đề xuất
Trên cơ sở thực trạng và bất cập đã nêu trên, tác giả xin mạnh dạn đề xuất những giải pháp sau để tăng cường bảo vệ cây Ươi trên địa bàn tỉnh Quảng Nam nói riêng, cả nước nói chung, như sau:
Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về rừng, đặc biệt là việc nâng cao nhận thức cho nhân dân về vai trò, giá trị kinh tế của cây Ươi, xem nó giống như loài Sâm Ngọc Linh chẳng hạn. Làm cho người dân hiểu cây Ươi, hạt Ươi là sản vật có giá trị kinh tế cao cần phải được bảo tồn, bảo vệ, gìn giữ và phát triển cho mai sau.
Thứ hai, cần có giải pháp kết hợp giữa Hạt Kiểm lâm, các Ban quản lý rừng và người dân trong việc giao khoán, nhận chăm sóc, bảo vệ cây Ươi theo từng tiểu khu, gắn lợi ích của người dân với cây Ươi mà họ được giao khoán chăm sóc, bảo vệ, phát huy vai trò của người dân trong việc tố giác hành vi chặt hạ cây Ươi. Và khi lợi ích của người dân được đảm bảo thì việc nhận giao khoán chăm sóc, bảo vệ cây Ươi sẽ đem lại thành quả.
Thứ ba, cần phải nhìn nhận một cách khách quan rằng diện tích cây Ươi ngày càng bị thu hẹp, số lượng cây Ươi đã bị chặt hạ qua các mùa là rất lớn dẫn đến cây Ươi có khả năng bị tuyệt chủng nên phải đưa cây Ươi vào Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIA để bảo vệ loại sản vật quý hiếm này. Để làm được điều này, cần kiến nghị sửa đổi Quyết định số 2198-CNR ngày 26/11/1977 của Bộ Lâm nghiệp ban hành bảng phân loại tạm thời các loại gỗ sử dụng thống nhất trong cả nước.
Thứ tư, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan có liên quan trong việc quản lý, bảo vệ rừng, xử lý nghiêm minh đối với tất cả các tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm, xâm phạm việc quản lý, bảo vệ, khai thác rừng, nhất là việc khai thác cây Ươi.
Trên đây là thực trạng, giải pháp nhằm bảo vệ “cây Ươi – một sản vật đặc trưng có giá trị kinh tế lớn của núi rừng” trong thời gian đến./.
Võ Xuân Tuấn
Phó viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây