Thực tiễn những năm qua cho thấy, số vụ án tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp tuy không nhiều nhưng tính chất, mức độ và hậu quả rất nghiêm trọng. Đây là các tội phạm xâm phạm đến sự đúng đắn của hoạt động tư pháp, trực tiếp xâm hại đến quyền con người, dẫn đến nguy cơ bỏ lọt tội phạm và làm oan người vô tội, gây ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan bảo vệ pháp luật, làm suy giảm lòng tin của Nhân dân đối với Ðảng, Nhà nước, ảnh hưởng đến sự nghiêm minh của pháp luật. Mặc dù công tác phòng, chống tội phạm tham nhũng, chức vụ trong hoạt động tư pháp những năm qua đã đạt được những kết quả quan trọng, nhưng cũng cần nhìn nhận một thực tế là tỉ lệ khởi tố, điều tra và giải quyết loại án này còn chưa cao; việc thu thập chứng cứ trong một số vụ án chưa đảm bảo kịp thời, đầy đủ, việc định tội danh còn chưa thống nhất và gặp nhiều khó khăn trong việc xác định người thực hiện hành vi phạm tội; còn để một số vụ án hình sự phải tạm đình chỉ điều tra, gia hạn điều tra nhiều lần... Thực trạng trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ một số cán bộ, Điều tra viên còn thiếu kinh nghiệm trong thao tác nghiệp vụ; năng lực, trình độ tổng hợp, kỹ năng thu thập, đánh giá và sử dụng chứng cứ chưa cao...
Vì vậy, việc đánh giá những kết quả đạt được, cũng như chỉ ra các hạn chế, thiếu sót, xác định nguyên nhân để đề ra giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động phát hiện, đấu tranh phòng, chống các tội phạm tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp là hết sức cần thiết, góp phần xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, nghiêm minh trong tình hình mới.
1. Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao
1.1. Kết quả đạt được
Trong những năm qua, công tác đấu tranh phòng, chống các tội phạm về tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp về cơ bản bảo đảm đúng pháp luật, góp phần làm trong sạch đội ngũ cán bộ tư pháp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân; không có vụ án nào bị đình chỉ điều tra vì bị can không phạm tội hoặc Tòa án tuyên không phạm tội. Tỉ lệ giải quyết nguồn tin về tội phạm và vụ án hàng năm đều đạt và tăng so với chỉ tiêu của Quốc hội giao, tỉ lệ thu hồi tiền, tài sản do phạm tội tham nhũng mà có đạt trên 50%.
Giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2021, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao đã tiếp nhận, giải quyết tổng số 835 nguồn tin về tội phạm tham nhũng, chức vụ trong hoạt động tư pháp, tiến hành kiểm tra, xác minh, thu thập các tài liệu, chứng cứ và đã giải quyết nguồn tin về tội phạm đạt hơn 91% trên tổng số nguồn tin về tội phạm đã tiếp nhận, thụ lý. Trong đó: Năm 2016 khởi tố, thụ lý điều tra 28 vụ/29 bị can (chiếm 62,2%); năm 2017 là 33 vụ/31 bị can (chiếm 64,7%); năm 2018 là 38 vụ/47 bị can (chiếm 66,7%); năm 2019 là 34 vụ/48 bị can (chiếm 57,6%); năm 2020 là 29 vụ/31 bị can (chiếm 56,9%); năm 2021 là 26 vụ/32 bị can phạm tội tham nhũng, chức vụ trong hoạt động tư pháp (chiếm hơn 52%)1; ban hành hàng trăm kiến nghị gửi các cơ quan hữu quan để kiến nghị xử lý và phòng ngừa vi phạm, tội phạm. Các kiến nghị trên đều được các cơ quan nghiêm túc tiếp thu và có biện pháp khắc phục.
Với những nỗ lực của mình, hoạt động của Cơ quan điều tra VKSND tối cao luôn bảo đảm đúng quy định của pháp luật. Các tài liệu, chứng cứ thu thập được kiểm tra, xác minh đầy đủ. Quá trình thu thập chứng cứ không tồn tại định kiến, chủ quan, thiên lệch. Mỗi Điều tra viên, Cán bộ điều tra đã linh hoạt, sáng tạo, kịp thời áp dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ, đổi mới phương pháp, cách thức thực hiện nhằm nâng cao chất lượng hoạt động điều tra các vụ án. Cơ cấu tổ chức, sắp xếp đội ngũ Điều tra viên, Cán bộ điều tra bảo đảm chủ động, hợp lý. Do đó, hoạt động chuyên môn được tiến hành khẩn trương, nghiêm túc, khoa học và mang lại kết quả tích cực. Đội ngũ Điều tra viên, Cán bộ điều tra của Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã có sự trưởng thành nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng để đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, hoạt động điều tra các vụ án tham nhũng, chức vụ trong hoạt động tư pháp luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo VKSND tối cao, lãnh đạo Cơ quan điều tra VKSND tối cao, cũng như sự quan tâm phối hợp của các cơ quan, đơn vị trong và ngoài ngành. Trong công tác phòng ngừa, Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã chú trọng tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới đội ngũ cán bộ các cơ quan tư pháp và toàn thể nhân dân. Theo đó, thường xuyên đăng các tin, bài, ảnh trên trang thông tin điện tử của đơn vị và gửi đăng trên các website các cơ quan báo chí của ngành... phản ánh kết quả công tác của đơn vị; cũng như phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật nói chung, pháp luật về phòng, chống tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp nói riêng. Những kết quả đạt được trong thời gian qua đã khẳng định được vị trí, vai trò của ngành Kiểm sát nhân dân trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng trong hoạt động tư pháp.
1.2. Một số tồn tại, hạn chế
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác phát hiện, đấu tranh phòng, chống các tội phạm về tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp của Cơ quan điều tra VKSND tối cao còn một số tồn tại, hạn chế. Đó là:
Một số vụ án, vụ việc xảy ra nhưng chưa áp dụng kịp thời, đầy đủ, triệt để các biện pháp để thu thập chứng cứ. Các biện pháp thu thập chứng cứ chưa đạt kết quả như mong muốn; công cụ, phương tiện để tiến hành hoạt động điều tra chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng, không dự liệu các vấn đề có thể phát sinh. Cá biệt có trường hợp còn để lộ, lọt thông tin dẫn đến đối tượng biết và tẩu tán các tài sản, tài liệu, vật chứng của vụ án. Một số vụ án còn để xảy ra vi phạm trong công tác thu giữ tài liệu, đồ vật, niêm phong vật chứng nên chưa bảo đảm giá trị chứng minh của chứng cứ, tài liệu thu thập được.
Một số vụ việc không thu thập được thông tin, tài liệu quan trọng từ phía các cá nhân, cơ quan, tổ chức; chưa phát huy được tốt mối quan hệ và sự hỗ trợ từ Viện kiểm sát và các cơ quan hữu quan tại địa phương. Hoạt động xác minh nguồn gốc tài sản chưa thu được kết quả tích cực, tiến độ giải quyết vụ án kéo dài, còn tình trạng trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Ngoài ra, công tác phòng ngừa tội phạm chưa được quan tâm đúng mức, chưa thu hút đông đảo Nhân dân vào hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm; chưa chú ý làm rõ các nguyên nhân, điều kiện của tội phạm do cán bộ cơ quan tư pháp thực hiện; có lúc chưa quan tâm tới việc yêu cầu các cơ quan, tổ chức và cá nhân khắc phục những nguyên nhân và điều kiện phạm tội, đặc biệt là các cơ quan quản lý cán bộ cơ quan tư pháp.
Những tồn tại, hạn chế trên xuất phát từ những nguyên nhân chủ yếu sau:
Thứ nhất, hệ thống pháp luật về tố tụng hình sự và văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động điều tra các vụ án thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra VKSND tối cao còn có vướng mắc, bất cập, một số quy định mới chậm được hướng dẫn thi hành, dẫn đến thiếu thống nhất trong nhận thức giữa các chủ thể tiến hành hoạt động điều tra.
Thứ hai, các tội phạm này chủ yếu xảy ra trong hoạt động của các cơ quan tư pháp hoặc có liên quan đến hoạt động của các cơ quan tư pháp, nên việc phát hiện, xử lý tội phạm thường gắn liền với quá trình tiến hành tố tụng của vụ án khác (hình sự, dân sự, kinh tế, lao động...) hoặc thi hành án, giam giữ, cải tạo... dẫn đến việc điều tra, xác minh gặp nhiều khó khăn. Quá trình thu thập chứng cứ đòi hỏi Điều tra viên, Cán bộ điều tra phải có trình độ cao, kỹ năng điều tra thuần thục, có kinh nghiệm ở nhiều lĩnh vực pháp luật. Một số trường hợp có nhiều đặc điểm giống với khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự hoặc với căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm... nên đòi hỏi cần có quá trình xác minh mới xác định đúng thẩm quyền điều tra.
Bên cạnh đó, các vụ án này được phát hiện nói chung thường chậm, ảnh hưởng đến việc thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh tội phạm. Nhiều vụ án đồng phạm có hành vi được che đậy kín đáo, các đối tượng tham gia có quan hệ chặt chẽ với nhau, thông tin khép kín. Tài sản do phạm tội mà có được hợp lý hóa, tài liệu bị tiêu hủy. Nhiều vụ án chỉ có lời khai người tham gia tố tụng, bị can thường xuyên phản cung, chối tội.
Thứ ba, quá trình điều tra, các cơ quan tư pháp đều có quan hệ phối hợp, chế ước lẫn nhau, vì vậy, không ít trường hợp gây trở ngại đến hoạt động điều tra, xử lý vụ án. Việc thu thập tài liệu, chứng cứ phục vụ công tác giám định, định giá tài sản cũng gặp nhiều bất cập như: Các cơ quan giám định, định giá tài sản từ chối giám định, kéo dài thời gian, không đủ cơ sở giám định… ảnh hưởng đến tiến độ điều tra, giải quyết vụ án.
Thứ tư, các cơ chế đảm bảo hiệu quả hoạt động điều tra còn chưa thực sự đầy đủ, đồng bộ. Cụ thể: Trong cơ cấu tổ chức hiện tại của Cơ quan điều tra VKSND tối cao thì Văn phòng Cơ quan điều tra, ngoài làm nhiệm vụ hướng dẫn, kiểm tra và trực tiếp điều tra một số vụ án phức tạp do Thủ trưởng Cơ quan điều tra phân công còn kiêm thực hiện cả công tác hậu cần, tài chính dẫn đến hoạt động của đơn vị này chưa thực sự hiệu quả.
Cơ quan điều tra VKSND tối cao chưa có hệ thống “chân rết”, mạng lưới cơ sở ở địa bàn cung cấp thông tin, cộng tác viên để chủ động theo dõi, nắm bắt thông tin về tội phạm; chưa có cơ chế đảm bảo về cung cấp thông tin về tội phạm trong nội bộ ngành, chưa có cơ chế khuyến khích, động viên thiết thực để có thể thu được thông tin về tội phạm. Bên cạnh đó, ngành Kiểm sát không có bộ phận lực lượng vũ trang làm công tác hỗ trợ tư pháp, không có hệ thống nhà tạm giữ do mình quản lý, Phòng giám định kỹ thuật hình sự mới được thành lập và đang trong quá trình kiện toàn, chưa đáp ứng ngay được nhiệm vụ.
Thứ năm, đa số các Điều tra viên đều trưởng thành từ ngành Kiểm sát, chưa được đào tạo một cách bài bản về nghiệp vụ điều tra. Ngoài ra, việc thực hiện chế độ công tác, thang bảng lương, phụ cấp cũng như các chế độ đãi ngộ khác chưa đáp ứng được yêu cầu; kinh phí điều tra hiện vẫn áp dụng theo chế độ kinh phí hành chính; các phòng ở khu vực đều phải thuê, mượn trụ sở làm việc; chưa có hệ thống kho vật chứng, phòng hỏi cung...
2. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả phòng, chống tội phạm tham nhũng, chức vụ trong hoạt động tư pháp thời gian tới
Một là, cơ quan có thẩm quyền cần sớm ban hành hướng dẫn thi hành các quy định của luật, nhất là Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021 (gọi tắt là BLTTHS năm 2015), Chương XXIV Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 về các tội phạm về tham nhũng, chức vụ. Cần có hướng dẫn cụ thể các quy định về kê biên tài sản, giám định, định giá tài sản hay quy định liên quan đến việc thu giữ phương tiện điện tử, mạng máy tính, mạng viễn thông; đồng thời, khẩn trương xây dựng thông tư liên tịch giữa VKSND tối cao và Bộ Quốc phòng trong công tác tạm giữ, tạm giam để Cơ quan điều tra VKSND tối cao chủ động thực hiện nhiệm vụ. Cơ quan điều tra VKSND tối cao và các cơ quan liên quan cần tiếp tục triển khai thực hiện kịp thời, chặt chẽ, thống nhất các đạo luật về tư pháp; tiếp tục chủ động nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan, đơn vị hữu quan hướng dẫn, tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng, tổ chức triển khai thực hiện các đạo luật liên quan trực tiếp đến công tác điều tra theo thẩm quyền; tăng cường phối hợp, ký kết và ban hành quy định phối hợp công tác giữa Cơ quan điều tra VKSND tối cao với đơn vị nghiệp vụ thuộc VKSND tối cao trong việc phát hiện, khởi tố, điều tra các vụ án.
Hai là, cần đổi mới phương pháp thu thập, quản lý thông tin về tội phạm; tập trung xây dựng mạng lưới cơ sở cung cấp thông tin, cộng tác viên để chủ động theo dõi, nắm bắt thông tin về tội phạm xảy ra trên toàn quốc; nâng cao trách nhiệm cung cấp thông tin về tội phạm trong nội bộ ngành Kiểm sát nhân dân và có cơ chế khuyến khích, động viên bằng nhiều hình thức để có được thông tin về tội phạm từ các nguồn khác. Bên cạnh đó, cần chủ động trong việc huy động sức mạnh của Nhân dân và các cơ quan báo chí trong việc tố giác, phát hiện tội phạm. Mặt khác, để khắc phục hạn chế do Cơ quan điều tra VKSND tối cao không có các đơn vị tại các địa phương, lực lượng còn tương đối mỏng, khó khăn về phương tiện, cơ sở vật chất thì cần tranh thủ sự phối hợp, hỗ trợ của VKSND địa phương để đánh giá, định hướng và có biện pháp hữu hiệu để thu thập tài liệu, chứng cứ, xử lý các mối quan hệ phức tạp phát sinh trong quá trình giải quyết vụ án2.
Ba là, về nghiệp vụ, hoạt động thu thập chứng cứ trong điều tra các vụ án tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp phải luôn bảo đảm tính kịp thời, nhanh chóng, không để người phạm tội có thời gian lẩn trốn, tiêu hủy chứng cứ, tang vật, xóa dấu vết hoặc tiếp tục gây án; cần bảo đảm sự thận trọng cần thiết khi tiến hành các hoạt động điều tra, tạo sự tin tưởng và mối quan hệ tốt với cơ quan chủ quản của người phạm tội. Điều tra viên cần có thái độ khiêm tốn, đúng mực, tôn trọng, lắng nghe các ý kiến từ phía người bị buộc tội, phải tranh thủ được sự ủng hộ của dư luận cũng như các phương tiện thông tin đại chúng.
Bốn là, xây dựng, nâng cao nhận thức về vai trò và tầm quan trọng của mối quan hệ giữa Cơ quan điều tra VKSND tối cao và các cơ quan, đơn vị trong ngành Kiểm sát. Đặc biệt, cần tăng cường sự phối hợp giữa Cơ quan điều tra VKSND tối cao với Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án xâm phạm hoạt động tư pháp, tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp (Vụ 6) VKSND tối cao; giữa Điều tra viên và Kiểm sát viên trong suốt giai đoạn điều tra tội phạm; tạo điều kiện cho Kiểm sát viên phối hợp, nắm bắt thường xuyên, liên tục về quá trình điều tra vụ án. Đặc biệt là trong quá trình thực hiện hoạt động thu thập chứng cứ, đảm bảo công tác kiểm sát việc lập hồ sơ được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật; thường xuyên trao đổi những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình giải quyết. Đối với Viện kiểm sát cấp tỉnh, huyện thì Cơ quan điều tra VKSND tối cao cần phải tăng cường phối hợp thông qua hoạt động của các phòng khu vực lực lượng Điều tra viên phụ trách địa bàn.
Năm là, tăng cường phối hợp giữa Cơ quan điều tra VKSND tối cao với các cơ quan, đơn vị ngoài ngành trong phân loại xử lý thông tin tội phạm như: Tòa án, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, cơ quan Thi hành án dân sự, cơ quan Thi hành án hình sự; một số cơ quan khác được giao tiến hành một số hoạt động điều tra như: Kiểm lâm, Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển… Viện kiểm sát nhân dân tối cao cần chủ trì xây dựng thông tư liên tịch quy định quan hệ phối hợp trong việc phát hiện, xử lý các thông tin về tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra VKSND tối cao, quy chế phối hợp giữa Cơ quan điều tra VKSND tối cao với các cơ quan bổ trợ tư pháp, bảo đảm hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra VKSND tối cao toàn diện, hiệu quả và phát huy sức mạnh tổng hợp.
Sáu là, cần tiếp tục nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ Điều tra viên, Cán bộ điều tra; phối hợp với Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, Học viện Cảnh sát nhân dân và các cơ sở đào tạo khác mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng về quy định mới của pháp luật cho Điều tra viên, Cán bộ điều tra về các nội dung kỹ năng nghiệp vụ điều tra, kỹ năng sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, võ thuật…; tăng cường hợp tác quốc tế, nhất là với Viện kiểm sát/Viện công tố của một số nước tiên tiến, phát triển trong công tác đào tạo, bồi dưỡng về điều tra kỹ thuật số, giám định kỹ thuật hình sự, kỹ thuật ghi âm, ghi hình…; thường xuyên đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ điều tra trong các cơ sở đào tạo; tiếp tục đẩy mạnh công tác tự đào tạo, tổng hợp và truyền đạt kinh nghiệm từ những Điều tra viên có kinh nghiệm cho những cán bộ trẻ; tổ chức nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm điều tra của Cơ quan điều tra thuộc VKSND với Cơ quan điều tra thuộc Viện kiểm sát/Viện công tố các nước trên thế giới… nhằm tiếp cận với trình độ điều tra ngày càng cao, chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm thuộc thẩm quyền trong tình hình mới. Ngoài ra, cần tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ Điều tra viên, Cán bộ điều tra; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn, sớm phát hiện các biểu hiện lệch lạc trong tư tưởng và sai phạm trong công tác để kịp thời chấn chỉnh; tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ; thường xuyên tổ chức sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm về nghiệp vụ cho Điều tra viên; tăng cường công tác nghiên cứu khoa học …
Bảy là, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế của Cơ quan điều tra VKSND tối cao theo hướng hình thành Cơ quan điều tra chuyên trách, ngoài các phòng điều tra tố tụng, cần có các đơn vị (bộ phận, phòng) thực hiện các hoạt động nghiệp vụ đặc thù phục vụ cho hoạt động phát hiện tội phạm và điều tra vụ án, như: Thành lập Trung tâm điều tra kỹ thuật số, đổi mới về tổ chức, các bộ phận hỗ trợ hoạt động điều tra (Trinh sát, Cảnh sát bảo vệ...). Đối với Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSND tối cao, cần nhanh chóng tuyển dụng, sắp xếp, bố trí nhân sự phù hợp; nâng cao chất lượng, kỹ năng cho các cán bộ, Giám định viên thông qua việc tăng cường mối quan hệ phối hợp với các cơ sở giám định công lập, nhất là Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an, Phòng kỹ thuật hình sự - Bộ Quốc phòng để trao đổi kinh nghiệm, đào tạo nguồn lực Giám định viên, đảm bảo hoạt động trưng cầu giám định và hoạt động giám định kỹ thuật hình sự được kịp thời, chính xác và thuận lợi. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu xây dựng và thành lập Trung tâm xử lý thông tin để đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ cao trong quản lý nghiệp vụ, thành lập Trung tâm chỉ huy điều tra để ứng dụng công nghệ thông tin bằng hình thức chỉ huy trực tuyến…
Tám là, tăng cường các điều kiện về cơ sở vật chất, chế độ chính sách cho đội ngũ Điều tra viên. Theo đó, tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất, kinh phí, phương tiện làm việc, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước hiện đại hóa để đảm bảo Cơ quan điều tra VKSND tối cao thực hiện có hiệu quả chức trách, nhiệm vụ được giao; ưu tiên đầu tư trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật (máy ghi âm, ghi hình, camera và các phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ khác) trong phòng hỏi cung bị can, ghi lời khai; đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ có hiệu quả các hoạt động tìm kiếm, thu thập, sao lưu, phục hồi, giải mã dữ liệu điện tử; cần tăng cường các biện pháp nghiệp vụ hỗ trợ điều tra, gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số, giám định, phối hợp thực hiện điều tra tố tụng đặc biệt3; cần chuyển từ kinh phí hành chính sang kinh phí đặc thù; kinh phí thực hiện chế độ chi cho hoạt động cung cấp tin theo quy định, cũng như kinh phí hoạt động điều tra vụ án hình sự và chế độ chi trực ban hình sự; đồng thời bảo đảm chế độ, chính sách cho đội ngũ công chức, Điều tra viên, Cán bộ điều tra của Cơ quan điều tra VKSND tối cao.
Chín là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với nhiều hình thức phong phú, sinh động; phát động quần chúng xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác và đấu tranh chống tội phạm; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của quần chúng nhân dân trong phát hiện, tố giác tội phạm.
Kiemsat.vn
Ý kiến bạn đọc