Quảng Nam: Xét xử nhóm cán bộ và ngư dân lợi dụng chính sách, chiếm đoạt tiền hỗ trợ nhiên liệu

Thứ năm - 14/11/2024 20:31 74 0
Ngày 07/11/2024, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam đã mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử vụ án: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Đưa hối lộ, Nhận hối lộ, Mua bán trái phép hoá đơn” do các bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ Trung tâm Đăng kiểm tàu cá và Quản lý cảng cá Quảng Nam, Chi cục Thủy sản Quảng Nam “giúp sức” cho ngư dân chiếm đoạt tiền của Nhà nước hỗ trợ tiền nhiên liệu cho tàu cá khai thác ở vùng biển xa.

(Các bị cáo tại phiên toà)
Theo Cáo trạng của VKSND tỉnh Quảng Nam: để khuyến khích ngư dân bám biển, bảo vệ chủ quyền, Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ nhiên liệu để phục vụ cho các chuyến khai thác hải sản của ngư dân trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa căn cứ vào giá trị công suất (CV) trên máy chính của tàu, tối đa 4 chuyến biển/tàu/năm.
Bị can Phạm Nam là chủ tàu cá số hiệu QNa-93459-TS có công suất 250CV nên chỉ được hỗ trợ tiền nhiên liệu là 55 triệu đồng/chuyến.Nam nảy sinh ý định nâng khống công suất máy tàu lên 420CV để được hưởng mức tiền hỗ trợ 75 triệu đồng/chuyến. Sau đó, Phạm Nam đã nhờ Nguyễn Văn Hùng  mua bộ hồ sơ máy tàu có công suất 420CV. Thông qua mối quan hệ, Nam nhờ N.V.M. (đã chết) liên hệ bị can Trần Quốc Việt là Trưởng phòng tàu cá và cơ sở dịch vụ hạ tầng nghề cá (Chi cục Thủy sản Quảng Nam) làm hồ sơ thiết kế cải hoán tàu và được Chi cục Thủy sản Quảng Nam cấp Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế cho tàu cá số hiệu QNa-93459-TS của Nam. Theo đó, Việt không kiểm tra, giám sát mà lập hợp thức biên bản kiểm tra kỹ thuật cải hoán lắp máy có công suất 420CV. Sau đó, Chi cục Thủy sản Quảng Nam cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá cho Phạm Nam, chủ sở tàu cá QNa-93459-TS. Trong năm 2021, Nam đã thực hiện 4 chuyến đánh bắt xa bờ, được thanh toán hỗ trợ nhiên liệu 300 triệu đồng.
Tương tự, bị can Phạm Hải sở hữu tàu cá số hiệu QNa-93657-TS có công suất 140CV. Do có nhu cầu đánh bắt cá biển xa nên Hải gặp nhờ bị can Đặng Cư làm hồ sơ máy thể hiện có công suất 420CV để được hỗ trợ tiền nhiên liệu với số tiền 75 triệu đồng/chuyến. Sau đó, Cư mua máy thủy có công suất 320CV để thi công lắp vào tàu của Hải và mua hồ sơ nguồn gốc thể hiện máy có công suất 420CV. Khi lắp máy xong, Hải đã nhờ N.V.M. làm giúp hồ sơ cải hoán máy lên 420CV rồi nhờ Việt làm hồ sơ thiết kế cải hoán tàu. Việt cung cấp thông tin cho Nguyễn Vui (1962, trú TP Tam Kỳ) - Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn thiết kế tàu thủy Quảng Nam làm hồ sơ thiết kế và được Chi cục Thủy sản Quảng Nam cấp Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế. Sau đó, Hải gửi hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá. Lúc này, Việt không thực hiện giám sát kỹ thuật cải hoán đã lập biên bản kiểm tra kỹ thuật sửa chữa vỏ, thay máy. Trên cơ sở đó, ngày 3-4-2019, Chi cục Thủy sản Quảng Nam cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá số hiệu QNa-93657-TS. Năm 2021, Hải đã được hỗ trợ 4 chuyến đánh bắt xa bờ số tiền 300 triệu đồng.
Như vậy, cả hai bị can Nam và Hải đã nâng khống công suất máy thủy trên tàu để chiếm đoạt 160 triệu đồng hỗ trợ nhiên liệu của Nhà nước. Hùng, Cư giúp sức cho Nam, Hải lừa đảo, chiếm đoạt tiền hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước.
Qua điều tra còn xác định, từ năm 2018 đến năm 2020, nhiều chủ tàu cá nhờ Trần Thị Kim Đồng (1970, trú H. Núi Thành, Quảng Nam) làm thủ tục đăng ký hoán cải tàu đánh bắt cá. Do đó, Hồng liên hệ Trần Quang Hiệp (1987, trú H. Núi Thành) là chủ hộ kinh doanh để mua hóa đơn nhằm hợp thức cho nguồn gốc máy thủy mà các chủ tàu đã mua trước đó. Đồng đã thanh toán cho Hiệp hơn 3,8 triệu đồng mua trái phép 30 hóa đơn.
Đây là vụ án được chính quyền địa phương và dư luận đặc biệt quan tâm. Quá trình trước và khi diễn ra phiên toà, Kiểm sát viên được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát vụ án đã có sự chuẩn bị kĩ lưỡng. Trong phần luận tội, Kiểm sát viên đã phân tích, đánh giá tính chất, mức độ của từng hành vi phạm tội của các bị cáo gây ra; đồng thời, xem xét các yếu tố về nhân thân và tình tiết giảm nhẹ hình phạt của bị cáo, đề nghị mức án xử phạt thích đáng để Hội đồng xét xử xem xét quyết định.
                                                                                        
(Kiểm sát viên tham gia thực hành quyền công tố tại phiên toà)

Kết quả phiên toà, Hội đồng xét xử chấp nhận quan điểm truy tố của VKSND tỉnh Quảng Nam, quyết định tuyên phạt các bị cáo mức án nghiêm khắc: bị cáo Phạm Nam, Phạm Hải cùng 18 tháng tù, bị cáo Đặng Cư 12 tháng tù, bị cáo Nguyễn Văn Hùng 12 tháng tù treo về tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; bị cáo Trần Quốc Việt 5 năm tù, bị cáo Nguyễn Văn Khánh 2 năm tù, bị cáo Ngô Văn Định 12 tháng tù treo về tội: “Nhận hối lộ”; bị cáo Nguyễn Vui 9 tháng tù, bị cáo Lê Hoàng Vũ 6 tháng tù treo, bị cáo Nguyễn Ngọc Bảo 6 tháng tù treo về tội “Đưa hối lộ”. Mỗi bị cáo Trần Quang Hiệp và Trần Thị Kim Đồng bị phạt 200 triệu đồng về tội: “Mua bán trái phép hóa đơn”.
Phòng 3

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây