Đại biểu Quốc hội chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực kiểm sát

Thứ hai - 20/03/2023 21:19 670 0
Chiều nay 20/3, theo chương trình phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thực hiện chất vấn đối với Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Nam chiều ngày 20/3. Ảnh: N.Đ
Đại biểu dự phiên chất vấn tại điểm cầu Quảng Nam chiều 20/3. Ảnh: N.Đ

Tại điểm cầu Quảng Nam, các ĐBQH Dương Văn Phước - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Đặng Thị Bảo Trinh - Phó Bí thư Tỉnh đoàn cùng đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các cơ quan nội chính tỉnh dự phiên chất vấn.

Theo chương trình, ông Lê Minh Trí - Viện trưởng VKSND tối cao đăng đàn trả lời các nhóm nội dung được chất vấn liên quan đến giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong giải quyết các vụ án hình sự, nhất là các vụ án về kinh tế, tham nhũng; giải pháp không để xảy ra việc bỏ lọt tội phạm, làm oan người vô tội; tăng cường chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên tại phiên tòa.

ĐBQH cũng chất vấn về giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự; kiểm sát thi hành án hình sự, dân sự, hành chính; việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.

Đồng thời chất vấn về công tác cán bộ của ngành kiểm sát; giải pháp nâng cao năng lực, trình độ, bản lĩnh, trách nhiệm của kiểm sát viên và công chức của viện kiểm sát; việc phòng ngừa và xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ ngành kiểm sát. Giải pháp tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Cơ quan điều tra VKSND tối cao, nhất là nâng cao tỷ lệ phát hiện tội phạm; tăng cường rà soát để kịp thời giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm theo thẩm quyền.

Báo cáo của Viện KSND tối cao gửi các ĐBQH cho biết, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, kết quả công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự của ngành năm sau tốt hơn năm trước. Hằng năm đều đạt và vượt các chỉ tiêu của Quốc hội.

Chỉ tính riêng trong hai năm 2021 và 2022, VKSND các cấp đã thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết 292.915 nguồn tin về tội phạm; thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn truy tố đã thụ lý giải quyết 150.848 vụ/281.854 bị can, đã giải quyết 140.453 vụ/259.415 bị can (tỷ lệ trung bình đạt 93,1% số vụ và 96% số bị can).

Tỷ lệ truy tố đúng thời hạn 99,99% (vượt 4,99% chỉ tiêu Quốc hội giao); thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm hình sự đối với 165.065 vụ/309.707 bị cáo; thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử theo thủ tục phúc thẩm đối với 32.596 vụ/55.297 bị cáo; thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm 794 vụ/1.104 bị cáo.

Tỷ lệ oan, sai giảm dần theo từng năm, từng nhiệm kỳ Quốc hội và chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với số lượng bị can, bị cáo đã truy tố, xét xử. Số kiến nghị của VKSND yêu cầu các cơ quan hữu quan khắc phục vi phạm tăng và hầu hết đều được thực hiện.

VKSND các cấp chủ động thực hiện nghiêm, đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của ngành nên đã hạn chế tối đa việc bỏ lọt tội phạm, trong đó có tội phạm kinh tế, chức vụ (điển hình như trong quá trình giải quyết các vụ án: AIC Đồng Nai, Việt Á, VNpharma). Các vụ án về kinh tế, chức vụ đều được ngành kiểm sát xử lý có căn cứ, đúng pháp luật, kịp thời, nghiêm minh, đạt lý thấu tình, đáp ứng các yêu cầu chính trị của Đảng, Nhà nước.

Trích Baoquangnam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây