ĐỀ XUẤT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG ĐIỀU 149 BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ VÀ MẪU QUYẾT ĐỊNH PHỤC HỒI GIẢI QUYẾT NGUỒN TIN VỀ TỘI PHẠM

Thứ tư - 11/08/2021 20:53 904 0
Chức năng, nhiệm vụ của VKS trong thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm lần đầu tiên đã được khái quát hóa trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; quy định rõ về trách nhiệm, thẩm quyền giải quyết và đề cao tính chủ động của Viện kiểm sát khi thực hiện các hoạt động trong giai đoạn đầu tiên của tố tụng hình sự.VKS thực hiện quyền công tố ngay từ khi tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm; đồng thời, luôn gắn và đồng hành trách nhiệm của mình với cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong suốt quá trình giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm. Một điểm mới được quy định tại điểm c khoản 3 Điều 145 BLTTHS năm 2015 đã thể hiện đúng vai trò của công tố, đảm bảo không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm, người phạm tội

Chức năng, nhiệm vụ của VKS trong thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm lần đầu tiên đã được khái quát hóa trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; quy định rõ về trách nhiệm, thẩm quyền giải quyết và đề cao tính chủ động của Viện kiểm sát khi thực hiện các hoạt động trong giai đoạn đầu tiên của tố tụng hình sự.VKS thực hiện quyền công tố ngay từ khi tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm; đồng thời, luôn gắn và đồng hành trách nhiệm của mình với cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong suốt quá trình giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm. Một điểm mới được quy định tại điểm c khoản 3 Điều 145 BLTTHS năm 2015 đã thể hiện đúng vai trò của công tố, đảm bảo không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm, người phạm tội. Đây là quyền năng pháp lý mang tính chịu trách nhiệm và chế ước giữa các cơ quan tiến hành tố tụng tránh tùy tiện, lạm quyền trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, đó là “Viện kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố trong trường hợp phát hiện Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm mà Viện kiểm sát đã yêu cầu bằng văn bản nhưng không được khắc phục”.

Trên cơ sở đó, ngày 29 tháng 12 năm 2017, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành Thông tư liên tịch số: 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC quy định việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đã quy định trách nhiệm tiếp nhận, thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, trong đó: “Viện kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm trong trường hợp phát hiện Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tốhoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm mà Viện kiểm sát đã yêu cầu bằng văn bản nhưng sau 15 ngày kể từ ngày cơ quan đang thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố nhận văn bản yêu cầu mà không được khắc phục” (Điều 5, Điều 6).

Kết thúc quá trình giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, cơ quan đã thụ lý, giải quyết phải ra một trong các quyết định quy định tại khoản 1 Điều 147 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, trong đó có việc quyết định tạm đình chỉ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố (điểm c). Và khi lý do tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố không còn, cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra ra quyết định phục hồi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố (khoản 1 Điều 149 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015).

Qua nghiên cứu các quy định nêu trên thì thấy rằng Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 chưa quy định Viện kiểm sát có thẩm quyền về phục hồi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố trong trường hợp vụ việc được VKS ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết; liên ngành trung ương cũng chưa hướng dẫn về vấn đề này. Và do đó trong hệ thống biểu mẫu văn bản tố tụng, văn bản nghiệp vụ thực hiện trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố của Viện kiểm sát ban hành kèm theo Quyết định số: 15/QĐ-VKSTC ngày 09 tháng 01 năm 2018 của Viện trưởng VKSND tối cao, không có biểu mẫu quyết định phục hồi giải quyết nguồn tin về tội phạm (dùng trong ngành KSND), nên đã gây trở ngại cho việc thực hiện nhiệm vụ của Ngành trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố và dễ dẫn đến sự tùy tiện trong việc xây dựng biểu mẫu nói trên của các đơn vị ở địa phương để đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra khi chưa có mẫu của VKSND tối cao.

Để đảm bảo cho VKS thực hiện đầy đủ quyền năng pháp lý khi thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố; đồng thời để đảm bảo áp dụng thống nhất và thuận lợi từ VKS tối cao đến VKS địa phương trong trường hợp VKS phục hồi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Chúng tôi đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 149 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (quy định thêm VKS có thẩm quyền phục hồi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố) và biểu mẫu quyết định phục hồi giải quyết nguồn tin về tội phạm (dùng trong ngành KSND) nhằm đảm bảo hiệu quả trong việc kiểm tra, chỉ đạo hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố của lãnh đạo và Kiểm sát viên được phân công thụ lý vụ việc.

Thứ nhất, đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 149 (phần in nghiêng, đậm trong điều luật là đề xuất sửa đổi, bổ sung).

Điều 149. Phục hồi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố

1. Khi lý do tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố không còn, cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố ra quyết định phục hồi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố tiếp không quá 01 tháng kể từ ngày ra quyết định phục hồi.

2. Giữ nguyên.

Thứ hai, đề xuất biểu mẫu: có biểu mẫu (dự thảo) quyết định phục hồi giải quyết nguồn tin kèm theo. Hình thức mẫu được tuân thủ về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản được quy định tại Nghị định số: 30/2020/NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ về công tác văn thư. Ký hiệu biểu mẫu là: Mẫu số 10A/HS theo Quyết định số 15/QĐ-VKSTC ngày 09 tháng 01 năm 2018.

* Từ những phân tích trên, chúng tôi đề nghị VKSND tối cao để kịp thời bổ sung biểu mẫu quyết định phục hồi giải quyết nguồn tin để VKSND địa phương áp dụng một cách thống nhất, tránh việc áp dụng một cách tùy tiện dẫn đến giảm hiệu lực, hiệu quả công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố; kính đề nghị VKSND tối cao kịp thời kiến nghị Quốc hội để sửa đổi, bổ sung Điều 149 Bộ luật Tố tụng hình sự theo hướng đề xuất của tác giả sáng kiến như đã trình bày ở phần trên.

Trong khi chờ VKSND tối cao ban hành biểu mẫu quyết định phục hồi giải quyết nguồn tin (dùng trong ngành Kiểm sát), chúng tôi kính đề nghị lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Nam đồng ý chọn giải pháp tạm thời là ban hành biểu mẫu quyết định phục hồi giải quyết nguồn tin (có dự thảo biểu mẫu kèm theo) để sử dụng trong ngành Kiểm sát Quảng Nam.

Lê Văn Cân – Trưởng phòng 1 VKSND tỉnh Quảng Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 7 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 2.3 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây