Hiểu thế nào cho đúng về tình tiết “Thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác”?

Thứ tư - 19/01/2022 04:52 1.479 0

Ngày 01/10/2019, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP (Nghị quyết số 06/2019) hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 của Bộ luật Hình sự (BLHS) và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi.

Nghị quyết này đã kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, giải thích về xâm hại tình dục người dưới 16 tuổi, bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác trên cơ thể, dụng cụ tình dục...; đặc biệt, đã hướng dẫn về các tình tiết định tội như hành vi giao cấu, hành vi quan hệ tình dục khác... Tuy nhiên, trong thực tiễn giải quyết vụ án, vẫn còn nhiều cách hiểu, cách vận dụng khác nhau dẫn đến việc điều tra, truy tố, xét xử gặp nhiều khó khăn, cần tiếp tục sửa đổi để có nhận thức thống nhất, góp phần hiệu quả vào việc đấu tranh, phòng chống loại tội phạm này.

Cấu thành cơ bản và đặc trưng của tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi” (Điều 142 BLHS năm 2015), ngoài mục đích giao cấu nhằm quan hệ tình dục thì người thực hiện hành vi phạm tội hoặc có thể thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi trái ý muốn của họ; hoặc giao cấu, hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 13 tuổi.

Theo hướng dẫn của Nghị quyết số 06/2019 nêu trên thì người “thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác” phải là hành vi của những người cùng giới tính hay khác giới tính sử dụng bộ phận sinh dục nam, bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: Ngón tay, ngón chân, lưỡi...), dụng cụ tình dục xâm nhập vào bộ phận sinh dục nữ, miệng, hậu môn của người khác với bất kỳ mức độ xâm nhập nào. Trong đó, có thể đưa bộ phận sinh dục nam xâm nhập vào miệng, hậu môn của người khác, hoặc dùng bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: Ngón tay, ngón chân, lưỡi...), dụng cụ tình dục xâm nhập vào bộ phận sinh dục nữ, hậu môn của người khác. Như vậy, trong trường hợp có hành vi quan hệ tình dục khác, tình tiết “mấu chốt” để định tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi” chính là yếu tố “xâm nhập”. Tuy nhiên, Nghị quyết số 06/2019 không giải thích đối với tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi” thì “xâm nhập” cụ thể là thế nào; khác với hành vi cọ xát, chà xát, sờ bóp, hôn, liếm... thế nào? Hành vi nào được xác định là “xâm nhập”? Mức độ nào được coi là “xâm nhập”? việc đụng chạm, sờ nắn vào các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể người khác có xem là “xâm nhập” hay không? Người thực hiện hành vi dùng bộ phận khác trên cơ thể như lưỡi liếm vào miệng, lưỡi... trái ý muốn của bị hại có được xem là “xâm nhập”... để định tội “Hiếp dâm” không? Người thực hiện các hành vi theo hướng dẫn tại mục 2 Điều 3 Nghị quyết số 06/2019 nhưng không nhằm mục đích giao cấu cấu thành tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi” hay chỉ cần người nào thực hiện hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực... nhằm giao cấu trái ý muốn của họ đã đủ yếu tố cấu thành tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi” mà không cần phải xác định có “xâm nhập” hay không? Những vấn đề này đang gây khó khăn cho những người tiến hành tố tụng.

Dấu hiệu đặc trưng của tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi” theo Điều 146 BLHS năm 2015 thì hành vi dâm ô là hành vi nhằm thỏa mãn tình dục của mình dưới mọi hình thức nhưng không có mục đích giao cấu, nghĩa là không nhằm quan hệ tình dục. Các hành vi này theo mục 3 Điều 3 Nghị quyết số 06/2019 có thể là dùng bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm tiếp xúc (ví dụ: Đụng chạm, cọ xát, chà xát...) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác của người dưới 16 tuổi; dùng bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: Tay, chân, miệng, lưỡi...) tiếp xúc (ví dụ: Vuốt ve, sờ, bóp, cấu véo, hôn, liếm...) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của người dưới 16 tuổi; dùng dụng cụ tình dục tiếp xúc (ví dụ: Đụng chạm, cọ xát, chà xát...) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của người dưới 16 tuổi; dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi dùng bộ phận khác trên cơ thể của họ tiếp xúc (ví dụ: Vuốt ve, sờ, bóp, cấu véo, hôn, liếm...) với bộ phận nhạy cảm của người phạm tội hoặc của người khác; và các hành vi khác có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục (ví dụ: Hôn vào miệng, cổ, tai, gáy... của người dưới 16 tuổi)... Với các hành vi trên, có thể đánh giá liệu hành vi nào được nhận định là “hành vi quan hệ tình dục khác”? hành vi nào có thể “xâm nhập” vào bộ phận sinh dục nữ, miệng, hậu môn của người khác với bất kỳ mức độ “xâm nhập” hay không? Điểm mấu chốt ở đây chính là hành vi của người dâm ô không có mục đích giao cấu, nghĩa là không nhằm quan hệ tình dục. Vậy, có thể thống nhất về nhận thức để đánh giá tình tiết “có xâm nhập” hay “không xâm nhập” để định tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi” hay tội “Dâm ô người dưới 16 tuổi” hay không? hoặc có bất kỳ mức độ xâm nhập nào của người thực hiện hàng loạt các hành vi kể trên mà không nhằm quan hệ tình dục thì chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi” không? Sau đây là một số ví dụ cụ thể:

Vụ thứ nhất: Tháng 12/2018, cháu Huỳnh Thị Kim P, sinh ngày 01/7/2010 và cháu Nguyễn Thị Phương K, sinh ngày 24/7/2009 đến nhà ông Diệp Đại H sửa xe đạp. Các cháu vào phòng ngủ của ông H nằm chơi thì ông H đi vào phòng đóng cửa lại, dùng tay cởi quần của hai cháu xuống đầu gối và dùng miệng liếm vào vùng kín mỗi cháu từ 3 đến 04 lần thì hai cháu đòi đi tiểu nên ông H mở cửa cho hai cháu đi và dặn không được kể với ai. Tuy nhiên, đến ngày 07/5/2019, cháu P đã kể lại sự việc cho 01 bạn cùng trường và 01 bạn cùng lớp nghe sự việc; cháu K về nhà kể lại sự việc cho mẹ nghe. Mẹ cháu K điện thoại báo cho bà Trần Thị Mỹ K, là mẹ của cháu P biết và cùng viết đơn trình báo cơ quan Công an. Cơ quan cảnh sát điều tra huyện N đã ra quyết định khởi tố vụ án về tội “Dâm ô với người dưới 16 tuổi”, bởi nhận định đối tượng H không có mục đích quan hệ tình dục với các cháu bé. Do không thống nhất về tội danh giữa các cơ quan tiến hành tố tụng cấp huyện nên Công an huyện N đã thỉnh thị ý kiến của liên ngành cấp tỉnh. Lúc này, Nghị quyết số 06/2019 có hiệu lực, nên đã xác định hành vi của ông Diệp Đại H cấu thành tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi” theo Điều 142 BLHS năm 2015, bởi H có hành vi dùng tay, lưỡi xâm nhập vào bộ phận sinh dục nữ và vụ án thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh.

Vụ thứ hai: Khoảng đầu tháng 7/2019, cháu Hà Yến T, sinh ngày 03/3/2009, đến nhà ông Phạm Văn P trú ở xã K, huyện N chơi. Lúc này ông P đang có việc ở phía sau nhà. T lấy điện thoại từ nhà trên tới chỗ ông P hỏi mượn nhưng ông P không đồng ý. T cầm điện thoại đi lên nhà trên thì ông P đi theo lấy điện thoại trên tay của T. Nhìn thấy T mặc quần đùi ngắn nên nảy sinh dục vọng, ông P dùng tay trái sờ mó, chà xát nhiều lần vào bộ phận sinh dục của cháu T (cháu T khai ông P tụt quần và đưa dương vật vào âm hộ cháu). Lúc này vợ ông P về nên ông P bỏ đi làm việc khác. Tại giấy chứng nhận thương tích ngày 11/7/2019 của Bệnh viện đa khoa tỉnh H mô tả tình trạng thương tích của cháu Hà Yến T xác định: Bộ phận sinh dục có 01 vết xước 01cm. Ngoài ra không có dấu vết gì khác. Ngày 27/11/2019 (sau khi Nghị quyết số 06/2019 có hiệu lực 22 ngày), Tòa án huyện N đã xét xử sơ thẩm và áp dụng khoản 1 Điều 146 BLHS năm 2015 tuyên phạt Phạm Văn P 01 năm tù về tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”. Sau đó, bị cáo kháng cáo xin hưởng án treo. Ngày 28/5/2020, Chánh án Tòa án tỉnh K có văn bản đề nghị Chánh án Tòa án cấp cao kháng nghị giám đốc thẩm bản án sơ thẩm trên với nhận định hành vi của bị cáo P phạm tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi” theo Điều 142 BLHS năm 2015. Ngày 14/9/2020, Chánh án Tòa án cấp cao đã kháng nghị, yêu cầu Ủy ban Thẩm phán tuyên hủy bản án sơ thẩm trên của Tòa huyện án N. Ngày 12/4/2021, bản án sơ thẩm trên đã bị hủy để điều tra lại.

Như vậy, hướng dẫn về hành vi quan hệ tình dục khác với tình tiết “xâm nhập” trong tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi” tại mục 2 Điều 3 Nghị quyết số 06/2019 và các hành vi nhằm thỏa mãn tình dục của một người trong tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi” tại mục 3 Điều 3 Nghị quyết số 06/2019 nói trên đã cho thấy sự trùng lặp về nội dung. Ngoài ra, tình tiết “ không nhằm quan hệ tình dục” tại mục 3 Điều 3 Nghị quyết số 06/2019 thì “quan hệ tình dục” là gì? Có phải là “giao cấu” hay không? Khác ở “quan hệ tình dục khác” như thế nào? Các tình tiết này gây ra cách hiểu, nhận thức khác nhau trong giải quyết vụ án, cần sớm có sự hướng dẫn thống nhất của liên ngành tư pháp Trung ương.

Ngoài ra, tại mục 2 Điều 8 Nghị quyết số 06/2019 quy định: “Trường hợp người phạm tội đã bị xét xử trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực theo đúng các quy định, hướng dẫn trước đây và bản án đã có hiệu lực pháp luật thì không căn cứ vào Nghị quyết này để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm”. Như vậy, những trường hợp phạm tội đã bị xét xử trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực và bản án chưa có hiệu lực pháp luật thì được căn cứ Nghị quyết này để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm. Theo tác giả, cần phải áp dụng nguyên tắc có lợi cho người thực hiện hành vi phạm tội, nghĩa là một người nếu thực hiện hành vi trước khi Nghị quyết số 06/2019 có hiệu lực (05/11/2019), nhưng khi căn cứ vào Nghị quyết để xác định cấu thành một tội danh nặng hơn thì không được áp dụng, làm xấu đi tình trạng của họ. Đồng thời, nếu căn cứ Nghị quyết số 06/2019 để xác định cấu thành một tội danh nhẹ hơn và bản án chưa có hiệu thực pháp luật thì phải kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người phạm tội./.

Kiemsat.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây