Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án: vướng mắc, bất cập

Thứ sáu - 27/08/2021 03:54 2.728 0
1. Sơ lược về Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án
          Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ IX ngày 16 tháng 6 năm 2020 với 04 chương, 42 Điều và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021. Luật đã quy định nguyên tắc, chính sách của Nhà nước về hòa giải, đối thoại tại Tòa án; quyền, nghĩa vụ của Hòa giải viên tại Tòa án, các bên tham gia hòa giải, đối thoại tại Tòa án; trách nhiệm của Tòa án; trình tự, thủ tục và công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án; đồng thời luật này quy định việc hòa giải, đối thoại được thực hiện trước khi Tòa án thụ ly vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; việc yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn; vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.
 Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án ra đời là một bước tiến lớn trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, góp phần rất lớn vào việc giảm tải áp lực cho ngành Tòa án nhân dân, tạo điều kiện cho các bên tranh chấp có điều kiện để lựa chọn hình thức giải quyết phù hợp, tránh được việc kéo dài vụ, việc tranh chấp khi lựa chọn con đường tố tụng dân sự hay tố tụng hành chính. Bên cạnh mặt tích cực thì Luật này đã bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập cần có hướng giải quyết. Do đó, trong phạm vi bài viết, tác giả chỉ đề cập đến những bất cập của Luật này.
2. Vướng mắc, bất cập
2.1. Về điều kiện bổ nhiệm Hòa giải viên
Theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 10 Luật này quy định điều kiện để được bổ nhiệm Hòa giải viên: “Đã là Thẩm phán, Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên Viện kiểm sát, Chấp hành viên thi hành án dân sự, Thanh tra viên; luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác; người có hiểu biết về phong tục tập quán, có uy tín trong cộng đồng dân cư”. Quy định này là chưa phù hợp bởi lẽ, luật sư là người có chuyên môn, hành nghề luật và thường là người bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho đương sự nhưng khi làm Hòa giải viên thì có phù hợp không, có khách quan hay không. Mặc khác, họ là người có chứng chỉ hành nghề luật sư thì họ có cần phải có chứng chỉ bồi dường nghiệp vụ hòa giải hay không trong khi họ đang là thành viên của một đoàn luật sự hay tổ chức luật sư nào đó. Do đó, theo chúng tôi quy định này là chưa phù hợp với thực tế. Quy định “chuyên gia, nhà chuyên môn khác có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác” cũng là quy định chưa cụ thể, rõ ràng. Thực tế hiện nay, đa số Hòa giải viên còn kiêm nhiệm một Hội, đoàn thể nào đó, thậm chí có người còn đang là Hội thẩm nhân dân, Công chứng viên, …
Đối với chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, đối thoại do cơ sở đào tạo của Tòa án nhân dân tối cao cấp (trừ các trường hợp đã quy định) thì quy trình đào tạo, bồi dưỡng như thế nào, thời hạn bao lâu và trong từng trường hợp hòa giải, đối thoại có phải đưa chứng chỉ này vào trong hồ sơ như chứng nhận luật sư hay không cũng chưa được quy định cụ thể.
2.2. Về quyền và nghĩa vụ của Hòa giải viên
Hòa giải viên có những quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 14 của Luật này, cụ thể như:
- Yêu cầu các bên cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ liên quan đến nội dung tranh chấp, kiếu kiện; các thông tin, tài liệu liên quan khác cần thiết cho việc hòa giải, đối thoại. Quy định này có thể thực hiện được đối với các tranh chấp của cá nhân với cá nhân nhưng các tranh chấp giữa cá nhân với tổ chức, cá nhân với cơ quan Nhà nước thì rất khó thực hiện trên thực tế, bởi các lẽ sau: Hòa giải viên khi thực hiện nhiệm vụ thì nhân danh gì để yêu cầu các bên cung cấp thông tin, tài liệu, yêu cầu bằng con đường nào. Trình tự, thủ tục như thế nào và người được yêu cầu phải có nghĩa vụ gì.
- Xem xét hiện trạng tài sản liên quan đến tranh chấp, khiếu kiện trước khi lập biên bản ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại theo yêu cầu của một trong các bên. Đây là quy định dễ thực hiện nhưng lại khó bởi xem xét hiện trạng nhưng không được lập biên bản, không được ghi âm, ghi hình thì ai bảo đảm rằng tài sản này sẽ giữ nguyên hiện trạng và việc xem xét hiện trạng này cũng không có ý nghĩa vì tại điểm đ Khoản 1 Điều 14 quy định: “Không phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của thông tin, tài liệu, chứng cứ do các bên cung cấp”. Ngoài ra, Hòa giải viên còn có quyền được mời người có uy tín tham gia hòa giải, đối thoại nhưng những người này là người nào, họ tham gia hòa giải với tư cách gì, quyền và nghĩa vụ của họ ra làm sao thì chưa có quy định cụ thể, chặt chẽ. Điều này dễ tạo ra những sai sót làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ịch chính đáng của các bên đương sự. Hậu quả của việc này giải quyết như thế nào chưa được đề cập.
Khi tiến hành phiên hòa giải, đối thoại tại Tòa án thì Hòa giải viên ấn định thời gian, địa điểm và thông báo cho các bên, người đại diện, người phiên dịch chậm nhất là 05 ngày trước ngày mở phiên hòa giải và việc thông báo có thể được thực hiện bằng văn bản hoặc hình thức khác phù hợp. Vậy Hòa giải viên thông báo như thế nào, có phù hợp với các quy định khác của pháp luật về việc ra thông báo cho đương sự trong vụ, việc dân sự, hành chính,… hay không.
2.3. Về trình tự nhận, xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu
Tòa án nhận đơn, vào sổ nhận đơn, xác nhận việc nhận đơn theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự và Tố tụng hành chính, thông báo cho người khởi kiện, người yêu cầu biết để lựa chọn Hòa giải viên, lập biên bản ghi nhận ý kiến của người khởi kiện, người yêu cầu rồi phân công Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại. Nếu người bị kiện đồng ý hòa giải thì Hòa giải viên viên tiến hành hòa giải. Tất cả các thủ tục này không khác gì việc Tòa án nhận đơn khởi kiện theo như quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự và Tố tụng hành chính. Vậy, Tòa án tiến hành các hoạt động như ra Thông báo, lập biên bản ghi nhận ý kiến của các bên, phân công Thẩm phán phụ trách hòa giải đối thoại, chỉ định Hòa giải viên là hoạt động tiền tố tụng theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Tố tụng hành chính hay chỉ là hoạt động hành chính của Tòa án. Các hoạt động này tuân thủ nguyên tắc gì và khi vụ việc không thể hòa giải, đối thoại thành thì các thủ tục này có được chuyển tiếp vào hồ sợ vụ, việc khi Tòa án thụ lý hay không. Việc xem xét tính hợp pháp, hợp lý của các thủ tục này trong vụ án, vụ việc ra sao. Mặt khác, việc thụ lý loại vụ, việc này sẽ nằm vào mục nào trong hệ thống báo cáo, thống kê.
2.4. Phương thức hòa giải, đối thoại tại Tòa án
Ngay trong điều luật đã thể hiện phương thức hòa giải, đối thoại tại Tòa án có nghĩa là việc tổ chức hòa giải, đối thoại được tổ chức tại Tòa án bởi đây là phương pháp giải quyết các tranh chấp tại Tòa án chứ không phải là phương thức giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án như tranh chấp thương mại. Do đó, quy định “Việc hòa giải, đối thoại có thể được tiến hành tại trụ sở Tòa án hoặc có thể ngoài trụ sở Tòa án theo lựa chọn của các bên” tại Khoản 2 Điều 22 của Luật này là không phù hợp. Bởi lẽ, các đương sự đã gởi đơn đến Tòa án và lựa chọn con đường hòa giải, đối thoại thì phải được thực hiện tại Tòa án mới đảm bảo tính khách quan, bảo mật thông tin và đặc biệt là tránh các rắc rối không cần thiết khi tiến hành hòa giải, đối thoại ngoài Tòa án.
2.5. Quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành
Thời hạn chuẩn bị ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành là 15 ngày kể từ ngày Tòa án nhận được biên bản và tài liệu kèm theo. Như vậy, ngoài biên bản ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại thì có tài liệu kèm theo. Vậy, tài liệu này được thu thập theo trình tự gì, có ý nghĩa như thế nào?
Khi có đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 33 Luật này thì Thẩm phán được phân công ra quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành và phải gửi quyết định đó cho các bên và Viện kiểm sát cùng cấp trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày Tòa án ra quyết định và Quyết định này không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Quy định này phù hợp với quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự nhưng chưa hợp lý.
2.6. Đề nghị, kiến nghị xem xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án.
Thẩm phán được phân công ra quyết định trên cơ sở các đương sự đã thỏa thuận thống nhất với nhau về các vấn đề tranh chấp nên và quyết định này có hiệu lực pháp luật thì quy định các bên có quyền đề nghị xem xét lại quyết định trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định là không phù hợp với các quy định của Luật này và các văn bản pháp luật khác. Bởi lẽ, thời hạn chuẩn bị để Thẩm phán ra quyết định là 15 ngày kể từ ngày nhận được biên bản ghi nhận kết quả nên các bên đương sự chỉ có quyền thay đổi nội dung thỏa thuận trong thời hạn này là phù hợp. Quy định này tạo điều kiện cho các bên đương sự cố tình trì hoãn việc thực hiện nghĩa vụ của mình nếu muốn.
Quy định Viện kiểm sát cùng cấp có quyền kiến nghị xem xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành  trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định của Tòa án. Quy định này không đảm bảo bởi là một quyết định của Tòa án nhân danh Nhà nước ban hành một quyết định có hiệu lực thi hành ngay nhưng lại chỉ bị kiến nghị xem xét lại là chưa đúng luật định mà cần phải quy định Viện kiểm sát có quyền kháng nghị đối với quyết định này. Mặc dù, đây là quyết định trước khi Tòa án thụ lý vụ án nhưng lại là quyết định được ban hành của Tòa án, theo trình tự, phương thức giải quyết trong Tòa án thì phải bị xem xét, kiến nghị, kháng nghị theo luật định mới đảm bảo.
2.7. Việc thi hành quyết định
Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành được thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự. Quyết định công nhận kết quả đối thoại thành được thi hành theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính. Với quy định này có thể hiểu đây là quyết định của Tòa án mà Cơ quan Thi hành án dân sự, thi hành án hành chính phải tổ chức thi hành. Nhưng trong tất cả các nội dung có liên quan của Luật này không có quy định nào về việc Tòa án phải gửi quyết định đó cho Cơ quan Thi hành án dân sự, thi hành án hành chính.
2.8. Về án phí, lệ phí
Hiện nay Luật này không có quy đinh nào về việc người gửi đơn yêu cầu, người khởi kiện, người bị kiện phải chịu án phí, lệ phí Tòa án. Chỉ có quy định về chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án nhưng cũng chỉ có các trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 9 của Luật này mới phải chịu chi phí. Thực tế hiện nay, mỗi Tòa án có cách thức thu khác nhau, có Tòa án thu 300.000 đồng, có Tòa án thu 150.000 đồng trên một vụ, việc. Việc thu này là không đúng quy định bởi lẽ trong Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 không có quy định về loại án phí, lệ phí này. Mặt khác, việc thu, chi loại lệ phí, án phí; tạm ứng lệ phí, án phí này thực hiện như thế nào trong khi quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành được thực hiện trước khi Tòa án thụ lý vụ, việc.
2.9. Về kiểm sát hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án
Luật này không có điều luật nào nói về việc kiểm sát của Viện kiểm sát nhân dân đối với việc hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Viện kiểm sát nhân dân chỉ có quyền kiến nghị xem xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành. Đây là một thiếu sót rất lớn bởi các quyết định này được thi hành trên thực tế nhưng ngay từ đầu đã không được kiểm sát. Các quyết định này ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống nhưng lại không được thụ lý, kiểm sát để đảm bảo tính khách quan, công bằng, đúng luật. Ngoài ra, hiện nay khi nhận được quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành từ Tòa án thì Viện kiểm sát cũng không biết phải mở sổ thụ lý, thống kê, báo cáo như thế nào cho phù hợp.
Tóm lại, trên đây là một số vướng mắc, bất cập của Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án mà qua thực tiễn chúng tôi nhận thấy. Rất mong Liên ngành tố tụng Trung ương sớm có hướng dẫn để khắc phục và triển khai thực hiện có hiệu quả trên thực tế./.
Xuân Tuấn - VKS Nông Sơn

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây