Hoàn thiện quy định về chuyển giao bản án, quyết định của Tòa án cho cơ quan thi hành án

Thứ sáu - 27/08/2021 03:37 4.368 0
1. Đặt vấn đề
          Việc chuyển giao bản án, quyết định của Tòa án nhân dân các cấp cho Cơ quan Thi hành án dân sự là quy định bắt buộc được luật định; đồng thời việc chuyển giao bản án, quyết định cho Cơ quan Thi hành án dân sự có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện các phán quyết của Tòa án. Đây là nhiệm vụ quan trọng, rất cần thiết để bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật hoặc chưa có hiệu lực pháp luật nhưng được thi hành ngay được Cơ quan Thi hành án dân sự có thẩm quyền tổ chức thi hành nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Việc chuyển giao bản án, quyết định của Tòa án cho Cơ quan Thi hành án dân sự được quy định cụ thể tại Điều 28 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014 (gọi chung là Luật Thi hành án dân sự hiện hành). Tuy nhiên, những quy định này và thực tiễn thi hành nó đã bộc lộ nhiều điểm chưa thống nhất, bất cập, dẫn đến việc áp dụng pháp luật chưa đồng bộ, chưa giải quyết kịp thời những yêu cầu chính đáng của người được thi hành án và chưa thể hiện sự đồng bộ với các văn bản pháp luật khác có liên quan.
          2. Quy định của pháp luật và thực tiễn việc chuyển giao bản án
          2.1. Cơ sở pháp lý của việc chuyển giao bản án
          Việc chuyển giao bản án, quyết định là trách nhiệm của Tòa án không chỉ được quy định tại Luật Thi hành án dân sự năm 2008, được sửa đổi, bổ sung năm 2014 mà còn được quy định tại Bộ luật Tố tụng Hình sự, Bộ luật Tố tụng Dân sự và các văn bản khác có liên quan. Trong phạm vi bài viết này tác giả chỉ đề cập đến việc chuyển giao bản án, quyết định của Tòa án cho Cơ quan Thi hành án dân sự. Việc chuyển giao bản án, quyết định của Tòa án cho Cơ quan Thi hành án dân sự được quy định tại Điều 28 Luật Thi hành án dân sự hiện hành như sau:
1. Tòa án đã ra bản án, quyết định quy định tại các điểm a, b, c, d và g khoản 1 Điều 2 của Luật này phải chuyển giao bản án, quyết định đó cho cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật.
2. Tòa án đã ra bản án, quyết định quy định tại điểm a khoản 2 Điều 2 của Luật này phải chuyển giao bản án, quyết định đó cho cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày ra bản án, quyết định.
3. Tòa án, Trọng tài thương mại đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải chuyển giao quyết định đó cho cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ngay sau khi ra quyết định.
4. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền đã kê biên tài sản, tạm giữ tài sản, thu giữ vật chứng hoặc thu giữ các tài liệu khác có liên quan đến việc thi hành án thì khi chuyển giao bản án, quyết định cho cơ quan thi hành án dân sự, Tòa án phải gửi kèm theo bản sao biên bản về việc kê biên, tạm giữ tài sản, thu giữ vật chứng hoặc tài liệu khác có liên quan.
          Theo quy định như trên thì những bản án, quyết định nào Tòa án phải chuyển giao cho Cơ quan Thi hành án dân sự. Điều này được quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự hiện hành.
          Điều 2. Bản án, quyết định được thi hành
Những bản án, quyết định được thi hành theo Luật này bao gồm:
1. Bản án, quyết định quy định tại Điều 1 của Luật này đã có hiệu lực pháp luật:
a) Bản án, quyết định hoặc phần bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm;
b) Bản án, quyết định của Tòa án cấp phúc thẩm;
c) Quyết định giám đốc thẩm hoặc tái thẩm của Tòa án;
d) Bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài đã được Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam;
đ) Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh mà sau 30 ngày, kể từ ngày có hiệu lực pháp luật đương sự không tự nguyện thi hành, không khởi kiện tại Tòa án;
e) Phán quyết, quyết định của Trọng tài thương mại;
g) Quyết định của Tòa án giải quyết phá sản.
2. Những bản án, quyết định sau đây của Tòa án cấp sơ thẩm được thi hành ngay, mặc dù có thể bị kháng cáo, kháng nghị:
a) Bản án, quyết định về cấp dưỡng, trả lương, trả công lao động, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp mất sức lao động hoặc bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tổn thất về tinh thần, nhận người lao động trở lại làm việc;
b) Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
2.2. Thực tiễn thi hành
- Về việc chuyển giao
Mặc dù pháp luật đã quy định rất cụ thể những bản án, quyết định của Tòa án gồm: bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật hoặc chưa có hiệu lực pháp luật nhưng được thi hành ngay; bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài đã được Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam, … mà Tòa án phải chuyển giao để Cơ quan Thi hành án dân sự phân loại, tổ chức thi hành nhưng trên thực tế hiện nay việc chuyển giao này của Tòa án còn chưa đảm bảo. Trong thực tiễn có những bản án, quyết định có hiệu lực từ trước khi Luật Thi hành án dân sự năm 2008 có hiệu lực nhưng vẫn chưa được Tòa án chuyển giao để tổ chức thi hành.
Ví dụ: Bản án hình sự sơ thẩm số 72/2006/HSST ngày 04/12/2006 của Tòa án nhân dân huyện Đ, tỉnh Q xét xử đối với bị cáo Lê Minh C (SN: 1980, trú: Xã T, huyện T.P, Q) về tội: Trộm cắp tài sản theo Khoản 1 Điều 138 Bộ luật Hình sự năm 1999. Tòa án nhân dân huyện Đ, tỉnh Q đã xử phạt bị cáo 06 tháng tù và án phí hình sự sơ thẩm là 50.000 đồng. Năm 2021, L Minh C (lúc này được xác định là Trần Văn T, lý do là do T khai gian dối họ tên năm 2006) tiếp tục phạm tội, các cơ quan tiến hành tố tụng xác minh tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đ, tỉnh Q thì bản án đối với C không được Tòa án nhân dân huyện Đ chuyển đến để tổ chức thi hành.
- Về thời hạn chuyển giao
Đối với những bản án đã có hiệu lực pháp luật thì Tòa án phải chuyển giao cho Cơ quan Thi hành án dân sự trong thời hạn 30 ngày, kể từ bản án, quyết định đó có hiệu lực pháp luật. Đối với những bản án, quyết định sau đây của Tòa án cấp sơ thẩm được thi hành ngay, mặc dù có thể bị kháng cáo, kháng nghị gồm: a) Bản án, quyết định về cấp dưỡng, trả lương, trả công lao động, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp mất sức lao động hoặc bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tổn thất về tinh thần, nhận người lao động trở lại làm việc; b) Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì Tòa án phải chuyển giao trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày ra bản án. Tuy nhiên, trên thực tế việc chuyển giao bản án, quyết định của Tòa án cho Cơ quan Thi hành án dân sự luôn luôn chậm, điều này rất dễ nhận ra thông qua kết quả kiểm sát việc thi hành án dân sự và số lượng các kiến nghị, kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp đối với Tòa án, Cơ quan Thi hành án dân sự về lĩnh vực này trong những năm qua.
3. Những vướng mắc, bất cập, kiến nghị
3.1. Những vướng mắc, bất cập
Đối với việc chuyển giao chậm trể như ví dụ nêu trên đã gây ra nhiều khó khăn đối với các cơ quan tiến hành tố tụng về việc xác định tiền án, tiền sự, nhân thân của bị can, bị cáo trong quá trình giải quyết vụ án sau này.
Cụ thể với ví dụ nêu trên thì thấy như sau: Năm 2011, bị can Trần Văn T (bị cáo Lê Minh C lúc này có tên thật là Trần Văn T, do bị cáo khai gian trước đây) bị Tòa án nhân dân huyện N, tỉnh Q xử phạt về tội: “Cố ý gây thương tích” nhưng trong bản án của Tòa án nhân dân huyện N, tỉnh QN xác định bị cáo Trần Văn T không có tiền án, tiền sự. Do vậy, đến thời điểm hiện nay (2021), các cơ quan có thẩm quyền không thể thực hiện được việc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm đối với vụ án này. Nguyên nhân là đã không còn thời hiệu vì kháng nghị theo hướng bất lợi cho bị can, bị cáo.
Đối với thời hạn chuyển giao bản án, quyết định của Tòa án cho Cơ quan Thi hành án dân sự được quy định trong Luật Thi hành án dân sự hiện hành là chưa phù hợp và chưa đồng bộ đối với các đạo luật khác. Đối với các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật mà thời hạn chuyển giao là 30 ngày là còn quá dài, chưa phù hợp và chưa đảm bảo để Cơ quan Thi hành án dân sự thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình. Bởi vì, trên thực tế có nhiều rất vụ việc khi bản án có hiệu lực pháp luật người được thi hành án đến ngay Cơ quan Thi hành án dân sự để yêu cầu thi hành án nhưng tại thời điểm đó Cơ quan Thi hành án dân sự chưa có bản án, quyết định của Tòa án hoặc trong các trường hợp chủ động ra quyết định thi hành án để đảm bảo giải quyết các vật chứng quan trọng, cần thiết thì không thể chủ động để tổ chức thi hành ngay.
Đối với các bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật nhưng được thi hành ngay nhưng thời hạn chuyển giao là 15 ngày, kể từ ngày ra bản án, quyết định là chưa phù hợp và chưa đảm bảo nguyên tắc được thi hành ngay như điều luật quy định để đảm bảo quyền lợi cho đương sự, chưa thể hiện hết ý nghĩa tốt đẹp mà điều luật đã quy định đối với loại vụ việc đó. Do đó, ý nghĩa của điều luật chưa thực sự đi vào đời sống, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.
Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự thì Tòa án phải chuyển giao quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự cho đương sự, Viện kiểm sát cùng cấp trong thời hạn 05 ngày làm việc, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định theo quy định tại các Điều 212 và 217. Đối với bản án thì trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày tuyên án, Tòa án phải giao hoặc gửi bản án cho các đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện và Viện kiểm sát cùng cấp theo quy định tại Điều 269.
Tại Điều 262 của Bộ luật Tố tụng hình sự thì việc giao, gửi bản án được quy định như sau: “Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày tuyên án, Tòa án cấp sơ thẩm phải giao bản án cho bị cáo, bị hại, Viện kiểm sát cùng cấp, người bào chữa; gửi bản án cho bị cáo bị xét xử vắng mặt quy định tại điểm c khoản 2 Điều 290 của Bộ luật này, Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp, Cơ quan điều tra cùng cấp, …”.
Như vậy, các quy định của pháp luật hiện nay có nhiều mốc thời gian khác nhau về việc Tòa án phải giao, gửi bản án, quyết định cho đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện, Viện kiểm sát cùng cấp và cấp trên trực tiếp. Việc quy định này là cần thiết để đảm bảo bản án, quyết định được kiểm sát và đưa ra thi hành trên thực tế. Ngoài ra, đối với các quyết định thì thời hạn mà Tòa án phải chuyển giao là ngắn hơn như 05 ngày và 03 ngày. Việc quy định này không ngoài mục đích là làm cho quyết định đó được nhanh chóng thi hành nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự. Do vậy, cần quy định cụ thể, chặt chẽ, đồng bộ giữa các luật, đạo luật về vấn đề này để đảm bảo cho việc thi hành án dân sự được thi hành một cách nhanh chóng, kịp thời.
3.2. Kiến nghị đề xuất
Để việc thực hiện pháp luật được thống nhất và góp phần giải quyết những khó khăn vướng mắc như đã nêu trên, tác giả xin đề xuất, kiến nghị một số giải pháp như sau:
Thứ nhất, cần quy định thống nhất về mốc thời gian chuyển giao bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật theo thời hạn của Bộ luật Tố tụng dân sự. Đó là 05 ngày làm việc, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực thi hành hoặc phần bản án, quyết định không có kháng cáo, kháng nghị. Điều này, giúp cho công tác rà soát, đối chiếu việc giao nhận bản án, quyết định giữa Tòa án và Cơ quan Thi hành án dân sự trở nên thuận tiện, dễ dàng hơn và Tòa án sẽ có trách nhiệm hơn đối với việc giao bản án, quyết định đã có hiệu lực cho Cơ quan Thi hành án dân sự để tổ chức thi hành nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Do đó, cần sửa đổi Khoản 1 Điều 28 Luật Thi hành án dân sự hiện hành theo hướng.
“1. Tòa án đã ra bản án, quyết định quy định tại các điểm a, b, c, d và g khoản 1 Điều 2 của Luật này phải chuyển giao bản án, quyết định đó cho cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật”.
Thứ hai, đối với những bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm được thi hành ngay, mặc dù có thể bị kháng cáo, kháng nghị thì thời hạn chuyển giao cho Cơ quan Thi hành án dân sự là 10 ngày, kể từ ngày tuyên án, việc quy định này mới phát huy hết giá trị của quy định bản án, quyết định được thi hành ngay và phù hợp với thực tiễn cuộc sống hơn, nhằm nhanh chóng giải quyết những yêu cầu bức thiết của người được thi hành án. Do đó, cần sửa đổi theo hướng sau:
“2. Tòa án đã ra bản án, quyết định quy định tại điểm a khoản 2 Điều 2 của Luật này phải chuyển giao bản án, quyết định đó cho cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày tuyên bản án, ngày ra quyết định”.
Thứ ba, Liên ngành tố tụng Trung ương cần có kế hoạch để sơ kết, tổng kết, đánh giá việc thực hiện Quy chế số 14/2013/QCLN/BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC ngày 09/10/2013 về Quy chế phối hợp liên ngành trong công tác thi hành án dân sự. Qua công tác sơ kết, tổng kết để rà soát, sửa đổi, bổ sung Quy chế này cho phù hợp với thực tiễn hiện nay. Theo tác giả nên bổ sung vào Khoản 2 Điều 22 Quy chế này như sau: 2. “Hàng tháng, Cơ quan Thi hành án dân sự, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu các bản án, quyết định mà Tòa án phải chuyển giao cho Cơ quan thi hành án; rà soát, phân loại, thống kê …” để nhằm mục đích tránh trường hợp bỏ sót, lọt bản án, quyết định dẫn đến hậu quả khó xử lý sau này.
Trên đây là những khó khăn, vướng mắc, bất cập về việc chuyển giao bản án, quyết định của Tòa án cho Cơ quan Thi hành án dân sự cũng như những kiến nghị đề xuất của tác giả đối với việc hoàn thiện quy định của pháp luật về việc chuyển giao bản án, quyết định của Tòa án cho Cơ quan Thi hành án dân sự. Tác giả mong nhận được sự đóng góp nhằm thực hiện tốt hơn công tác chuyên môn trong thời gian đến./.
 
Xuân Tuấn - VKS Nông Sơn

Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây