Vướng mắc trong việc áp dụng biện pháp dẫn giải người bị hại trong các vụ án cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe người khác

Thứ hai - 02/01/2023 03:51 3.888 0
Trong thời gian vừa qua tình tình tội phạm về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác đang có chiều hướng gia tăng cả về số lượng và tính chất mức độ với hậu quả ngày càng nghiêm trọng. Tuy nhiên, việc điều tra xử lý đối với loại tội phạm này vẫn gặp những khó khăn, vướng mắc đặc biệt là việc áp dụng biện pháp dẫn giải đối với người bị hại khi họ từ chối giám định.
Dẫn giải là biện pháp cưỡng chế cần thiết trong hoạt động tố tụng và được áp dụng đối với người làm chứng, người bị tố giác, người bị hại từ chối giám định. Đây là biện pháp có ý nghĩa hết sức quan trọng, vừa phục vụ công tác tư pháp được nhanh chóng, vừa đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2003 chưa quy định cụ thể biện pháp xử lý đối với các trường hợp bị hại từ chối giám định và để khắc phục tình trạng nêu trên BLTTHS năm 2015 đã quy định cụ thể biện pháp dẫn giải tại điểm l khoản 1 Điều 4 BLTTHS năm 2015 “Dẫn giải là việc cơ quan có thẩm quyền cưỡng chế người làm chứng, người bị tố giác hoặc bị kiến nghị khởi tố đến địa điểm tiến hành điều tra, truy tố, xét xử hoặc người bị hại từ chối giám định” và đây là chế định hoàn toàn mới khắc phục những khó khăn, vướng mắc cho các cơ quan tiến hành tố tụng. Bên cạnh đó, BLTTHS năm 2015 cũng có quy định riêng (Điều 127) quy định biện pháp dẫn giải. Tuy nhiên, trên thực tế để người bị hại  hợp tác, cơ quan tiến hành tố tụng chủ yếu thuyết phục, động viên họ hiểu được quyền lợi và trách nhiệm của mình, từ đó họ chấp nhận hợp tác. Trong các vụ án cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác công tác giám định tư pháp đóng vai trò hết sức quan trọng. Kết luận giám định là chứng cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, cơ chế hình thành dấu vết, tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra; những tình tiết liên quan đến việc loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án, để đảm bảo việc xử lý vụ án được chính xác, khách quan và đúng pháp luật. Đối với các vụ án cố ý gây thương tích việc xác định tỷ lệ thương tật của người bị hại là một trong những yêu cầu bắt buộc đóng vai trò tiên quyết trong việc giải quyết vụ án bởi chỉ khi xác định được phần trăm tỉ lệ thương tích của bị hại thì Cơ quan điều tra mới có căn cứ để khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự và việc giám định này được thực hiện bởi cơ quan giám định theo yêu cầu trưng cầu giám định của cơ quan tiến hành tố tụng.
Thực tiễn khi giải quyết các vụ án hình sự, đặc biệt là các vụ án khởi tố theo yêu cầu của bị hại, các vụ án về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác luôn chiếm tỷ lệ cao. Các vụ án này yêu cầu bắt buộc là phải xác định được tỷ lệ thương tích của bị hại. Trong số các vụ cố ý gây thương tích có người bị hại từ chối giám định thương tích thì có rất nhiều vụ được thực hiện bởi các nhóm thanh niên sử dụng hung khí, có tính chất côn đồ, gây thương tích cho nhiều người với tính chất mức độ nghiêm trọng, nhưng khi Cơ quan điều tra thụ lý tin báo về tội phạm, tiến hành điều tra, xác minh thì sau đó bị hại đã từ chối phối hợp cung cấp thông tin và từ chối cả việc giám định thương tích do các đối tượng đã dùng tiền bồi thường thỏa đáng cho bị hại hay bị hại bị các đối tượng đe dọa, trả thù…nên khi Cơ quan điều tra quyết định trưng cầu giám định thương tích thì họ đã từ chối, không hợp tác và không đồng ý thực hiện. Điều này đã gây khó khăn cho việc giải quyết án nói riêng và công tác đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung. Nghĩa vụ của bị hại được quy định chung nhất tại điểm a khoản 4 Điều 62 BLTTHS năm 2015, theo đó, bị hại phải “có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; trường hợp cố ý vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì có thể bị dẫn giải” và điểm b khoản 2 Điều 127 BLTTHS năm 2015 quy định về biện pháp dẫn giải “Người bị hại trong trường hợp họ từ chối việc giám định theo quyết định trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan”. Quy định này khi áp dụng trong thực tế lại gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, khi Cơ quan tiến hành tố tụng đã thi hành quyết định dẫn giải người bị hại theo quy định tại Điều 127 Bộ luật TTHS năm 2015 nhưng người bị hại vẫn cương quyết từ chối việc giám định, tỏ thái độ bất hợp tác nên không thể tiến hành việc giám định được. Đối với việc dẫn giải người bị hại khi họ từ chối giám định cũng có 2 quan điểm:
 Quan điểm thứ nhất: đối với Quyết định dẫn giải của cơ quan tiến hành tố tụng khi đã ban hành nhưng người bị hại vẫn tự nguyện từ chối giám định thương tích, đối với trường hợp này cơ quan tiến hành tố tụng cần tôn trọng sự tự nguyện của người bị hại.
Quan điểm thứ hai: Quyết định dẫn giải là biện pháp cưỡng chế mang tính bắt buộc nên người bị hại phải chấp hành. Do đó, trong trường hợp này Cơ quan tiến hành tố tụng phải tiến hành các biện pháp để dẫn giải người bị hại đi giám định thương tích. Chúng tôi đồng ý với quan điểm thứ hai, bởi vì biện pháp dẫn giải được quy định là một trong những biện pháp cưỡng chế, có nghĩa rằng trong trường hợp này việc người bị hại từ chối giám định là không có căn cứ để chấp nhận, mặc dù người bị hại từ chối giám định, có đơn không xử lý hình sự đối với đối tượng thực hiện hành vi gây thương tích cho mình. Ngoài ra, quy định về việc giám định và khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại theo khoản 1 Điều 155 BLTTHS năm 2015 là hai chế định độc lập, hoàn toàn khác nhau. Việc giám định tính chất thương tích, mức độ tổn hại sức khoẻ là bắt buộc là quyền năng của Nhà nước, của các cơ quan tiến hành tố tụng, người bị hại không nghiêm chỉnh chấp hành (từ chối việc giám định theo quyết định trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan) sẽ bị dẫn giải để thực hiện việc giám định theo quy định của pháp luật. Còn việc khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại theo khoản 1 Điều 155 BLTTHS năm 2015 là quyền tùy nghi của bị hại. Bộ luật Tố tụng hình sự chỉ quy định trường hợp hành vi phạm tội thuộc khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự (BLHS) năm 2015 thì người bị hại mới có quyền yêu cầu khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự. Trong trường hợp này, do người bị hại chưa đi giám định thương tích nên chưa có căn cứ để xác định rằng hành vi phạm tội của đối tượng thuộc khoản nào Điều 134 BLHS năm 2015. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác quy định tại Điều 134 có cấu thành vật chất, nghĩa là phải có thương tích, mức độ tổn hại sức khoẻ (trừ khoản 6), vì vậy cần phải có kết luận giám định của tổ chức giám định, khi đã xác định được thương tích thì bị hại mới có quyền được khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của mình ở khoản 1 Điều này. Trường hợp tỉ lệ thương tích cấu thành ở khoản 2 đến khoản 5 Điều 134 BLHS năm 2015 thuộc trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền, trong trường hợp này nếu người bị hại có yêu cầu khởi tố hay không thì cơ quan tiến hành tố tụng vẫn tiến hành khởi tố vụ án hình sự để xử lý theo đúng quy định của pháp luật, do người phạm tội không chỉ phải chịu là trách nhiệm hình sự riêng đối với bị hại mà còn có trách nhiệm đối với Nhà nước vì đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội.
Hiện nay vẫn chưa có quy định về chế tài hay hướng dẫn của liên ngành trung ương về trường hợp này nên các cơ quan tiến hành tố tụng gặp rất nhiều khó khăn trong giải quyết vụ việc vì không có kết quả giám định thì không thể khởi tố vụ án hình sự. Mặc dù, khoản 2 Điều 2 Thông tư 22/2019/TT-BYT của Bộ Y tế ngày 28/8/2019 Thông tư 22/2019) quy định tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể sử dụng trong giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần có quy định về việc giám định trên hồ sơ “Giám định để xác định tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể được thực hiện trên hồ sơ trong trường hợp người cần giám định đã bị chết hoặc bị mất tích hoặc các trường hợp khác theo quy định của pháp luật”. Tuy nhiên, không quy định cụ thể các “trường hợp khác được quy định của pháp luật” để được áp dụng việc giám định trên hồ sơ là các trường hợp cụ thể nào và trường hợp người bị hại từ chối giám định có thuộc trường hợp đủ điều kiện và được phép giám định trên hồ sơ hay không. Cũng theo quy định này đối với trường hợp giám định trên hồ sơ thì tỷ lỷ lệ phần trăm được xác định như sau “Khi giám định trên hồ sơ, tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể được xác định ở mức thấp nhất của khung tỷ lệ tương ứng với các tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể”. Như vậy, việc xác định ở mức thấp nhất của khung tỷ lệ tương ứng có đảm bảo tính chính xác và khách quan so với tỷ lệ thương tật trên thực tế hay không. Từ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, để góp phần giải quyết kịp thời loại tội phạm này, đề nghị liên ngành tư pháp trung ương cần kịp thời có các hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn nữa để giải quyết đối với trường hợp người bị hại từ chối giám định, đồng thời cơ quan có thẩm quyền cần quy định rõ nghĩa vụ của bị hại trong việc giám định thương tích; trình tự, thủ tục, điều kiện dẫn giải bị hại đi giám định thương tích nếu bị hại từ chối giám định mà không vì lý do bất khả kháng hoặc chế tài nào được áp dụng dù đã áp dụng biện pháp dẫn giải nhưng người bị hại vẫn từ chối thực hiện việc dẫn giải. Đối với trường hợp áp dụng việc giám định trên hồ sơ theo quy định tại Thông tư 22/2019 phải được áp dụng thống nhất, đảm bảo việc xử lý tội phạm được kịp thời và bảo đảm việc khởi tố đúng người, đúng tội, tránh oan, sai và bỏ lọt tội phạm.
                                                            Khánh Ly- Trần Các

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây