MỘT SỐ GIẢI PHÁP HẠN CHẾ TÌNH TRẠNG TRẢ HỒ SƠ ĐỂ ĐIỀU TRA BỔ SUNG GIỮA CÁC CƠ QUAN TIẾN HÀNH TỐ TỤNG TỈNH QUẢNG NAM

Thứ năm - 14/03/2024 05:00 696 0
Việc trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung đảm bảo cho việc điều tra thu thập chứng cứ được đầy đủ, áp dụng trình tự thủ tục tố tụng đúng quy định của pháp luật nhằm nâng cao chất lượng điều tra, truy tố, xét xử; đảm bảo cho việc truy tố, xét xử có căn cứ vững chắc, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.
Hiện nay vẫn còn một số vụ án Tòa án 2 cấp tỉnh Quảng Nam trả hồ sơ điều tra bổ sung nhưng không được Viện kiểm sát chấp nhận, cho thấy Kiểm sát viên và lãnh đạo Viện kiểm sát đã phối hợp rất tốt với các cơ quan tiên hành tố tụng và có quan điểm rõ ràng dựa trên cơ sở nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án và vận dụng tốt các quy định Pháp luật cũng như Thông tư liên tịch số 02/2017. Lãnh đạo VKS và KSV đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, nhạy bén, sáng tạo và sự phối hợp của các cơ quan bảo vệ pháp luật ngày càng được nâng lên; mặt khác, thông qua thực hiện Thông tư liên tịch số 02/2017, chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự của Viện Kiểm sát các cấp được nâng cao, công tác phối hợp giữa Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án được tăng cường nên hầu hết các vụ án đều được phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội cho địa phương.
Tuy nhiên, số lượng án trả hồ sơ điều tra bổ sung trong thời gian qua tương đối cao, năm sau cao hơn năm trước; số vụ án Tòa án trả cho Viện kiểm sát vẫn còn chiếm tỷ lệ lớn. Số vụ án phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhiều là thể hiện sự thiếu sót của Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong việc phát hiện và chứng minh tội phạm. Đồng thời cũng chứng tỏ trong giai đoạn KSĐT đến giai đoạn truy tố, một số Kiểm sát viên và lãnh đạo Phòng nghiệp vụ, lãnh đạo VKSND cấp huyện đánh giá chứng cứ chưa chặt chẽ, không phát hiện được những vi phạm, thiếu sót trong hồ sơ vụ án. Việc để xảy ra tình trạng như trên có nhiều nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan; tuy nhiên những sai sót, vi phạm dù ở giai đoạn tố tụng nào thì đều có một phần trách nhiệm của Viện kiểm sát mà trực tiếp là Kiểm sát viên và lãnh đạo đơn vị được phân công thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử vụ án. Để nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự, hạn chế đến mức thấp nhất việc trả hồ sơ điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, chúng ta cần triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
- Chú trọng việc hệ thống hóa các văn bản pháp luật hình sự đang có hiệu lực trên các lĩnh vực nghiệp vụ để tiện tra cứu vận dụng. Khuyến khích KSV, KTV tự nghiên cứu, học tập các chuyên đề chuyên sâu về nghiệp vụ điều tra, kiểm sát điều tra nhằm tạo sự chuyển biến mới trong nhận thức, ý thức trách nhiệm, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp của Kiểm sát viên để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
- Trước khi kết thúc điều tra vụ án, Kiểm sát viên phải phối hợp với Điều tra viên để đánh giá các chứng cứ, tài liệu đã thu thập, nếu phát hiện còn thiếu chứng cứ, vi phạm thủ tục tố tụng hoặc bỏ lọt tội phạm, người phạm tội khác thì phải bổ sung, khắc phục ngay trong giai đoạn điều tra. Đối với các vụ án phức tạp, khó khăn thì cần thực hiện tốt Quy chế phối hợp liên ngành, tổ chức họp liên ngành để có phương hướng giải quyết kịp thời và đúng đắn trước khi kết thúc điều tra vụ án. Trong giai đoạn xét xử cần phối hợp với Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa để trao đổi ý kiến, kịp thời bổ sung, khắc phục những thiếu sót. Nếu quan điểm không thống nhất thì báo cáo lãnh đạo hai ngành xem xét quyết định.
- Đối với những vụ án phức tạp, những vụ án được dư luận quan tâm, Lãnh đạo đơn vị cần chủ động bố trí đội ngũ cán bộ có năng lực nghiệp vụ, năng lực chuyên môn, có kinh nghiệm thực tế để đảm nhận công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp. Hạn chế việc trả hồ sơ điều tra bổ sung, không để xảy ra việc Viện kiểm sát truy tố Tòa án tuyên không phạm tội.
- Lãnh đạo phụ trách Khối, lãnh đạo VKSND cấp huyện phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo KSV kiểm sát chặt chẽ ngay từ khi thụ lý kiểm sát nguồn tin; khởi tố vụ án và trong suốt quá trình tố tụng; yêu cầu các phòng nghiệp vụ, lãnh đạo VKS cấp huyện quản lý chặt chẽ số liệu, lý do trả hồ sơ để điều tra bổ sung của các Kiểm sát viên. Xem việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung là một chỉ tiêu để đánh giá năng lực công tác, kết quả hoàn thành nhiệm vụ của từng cá nhân trong đơn vị.
Để hạn chế việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì việc triển khai các giải pháp nêu trên phải được tiến hành thường xuyên, kiên trì và cần có sự quyết tâm cao của các Cơ quan tiến hành tố tụng trong công tác phối hợp, công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ đối với đội ngũ Kiểm sát viên để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; góp phần đắc lực phục vụ cho công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, công cuộc cải cách tư pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa./.
Phòng 1 VKSND tỉnh Quảng Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây