Theo điểm d khoản 3 Điều 3, khoản 7 Điều 14 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 và khoản 6 Điều 165 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) 2015 thì một trong những nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm sát viên khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự là đề ra yêu cầu điều tra để làm rõ tội phạm và người phạm tội.
Kiểm sát viên có thể đề ra yêu cầu điều tra bằng lời nói trong trường hợp trực tiếp kiểm sát hoạt động điều tra như khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, thực nghiệm điều tra, còn chủ yếu việc yêu cầu điều tra được thể hiện bằng văn bản (bản yêu cầu điều tra). Nội dung bản yêu cầu điều tra phải cụ thể, rõ ràng, sát với nội dung vụ án, định hướng thu thập chứng cứ để làm rõ cấu thành tội phạm, những vấn đề phải chứng minh trong vụ án theo quy định tại Điều 85, Điều 441 BLTTHS năm 2015.
Cơ quan điều tra, Điều tra viên, cán bộ điều tra được phân công điều tra vụ án phải thực hiện bản yêu cầu điều tra của Kiểm sát viên theo quy định tại Điều 167 BLTTHS năm 2015.
Bản yêu cầu điều tra có chất lượng tốt sẽ định hướng cho Điều tra viên trong việc thu thập, củng cố chứng cứ, hoàn thiện thủ tục tố tụng của vụ án, bảo đảm việc điều tra khách quan, toàn diện, đầy đủ, đúng pháp luật. Thông qua văn bản này cũng thể hiện rõ trình độ, năng lực, tinh thần trách nhiệm của Kiểm sát viên khi được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra vụ án hình sự.
Thực tiễn cho thấy, bên cạnh những bản yêu cầu điều tra chất lượng, kịp thời, bảo đảm cho việc giải quyết vụ án được chính xác, toàn diện và đầy đủ, góp phần chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm, thì vẫn còn một số bản yêu cầu điều tra chưa cụ thể, nội dung còn chung chung, yêu cầu điều tra những vấn đề không cần thiết, những vấn đề mà đương nhiên Cơ quan điều tra, Điều tra viên phải thực hiện.
Để khắc phục tồn tại nêu trên, từ thực tiễn công tác, tác giả đưa ra một số kinh nghiệm trong việc xây dựng, kiểm sát việc thực hiện văn bản yêu cầu điều tra. Cụ thể:
Một là, xác định những vấn đề cần phải chứng minh trong vụ án.
Mỗi vụ án hình sự xảy ra đều có những đặc điểm riêng, không có một khuôn mẫu chung về giới hạn chứng minh, phạm vi chứng minh cho tất cả các vụ án. Tuy vậy, vụ án hình sự nào cũng cần phải làm rõ các yếu tố cấu thành tội phạm và những vấn đề cần phải chứng minh trong vụ án hình sự. Ví dụ: Đối với các vụ án trộm cắp tài sản, căn cứ Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015; các điều 85, 441 BLTTHS năm 2015, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cần phải chứng minh các vấn đề cơ bản sau đây: (i) Có hành vi phạm tội trộm cắp tài sản xảy ra hay không? Thời gian, địa điểm, hành động cụ thể của người phạm tội trong các giai đoạn chuẩn bị, thực hiện, che giấu, tiêu thụ tài sản, như: Việc tìm hiểu, thăm dò nơi có tài sản; quy tắc sinh hoạt, làm việc của bị hại; việc chuẩn bị công cụ, phương tiện thực hiện tội phạm; vị trí đột nhập vào nơi có tài sản (qua lỗ thông gió, qua cửa sổ); cách thức đối tượng vô hiệu hóa các thiết bị bảo vệ tài sản; thủ đoạn thực hiện tội phạm (dàn dựng cảnh đụng xe, va chạm giao thông để móc túi người tham gia giao thông; giả danh người sửa chữa điện, nước, bếp ga để tiếp cận rồi lén lút chiếm đoạt tài sản); thủ đoạn che giấu hành vi trộm cắp tài sản (đeo găng tay khi thực hiện tội phạm, xóa dấu vết hoặc tạo ra các dấu vết giả sau khi phạm tội); lối tẩu thoát sau khi trộm cắp tài sản; thủ đoạn tiêu thụ tài sản trộm cắp (tháo rời từng bộ phận của xe mô tô, đục lại số khung, số máy, thay đổi màu sơn của xe rồi mới đem bán, bán tài sản trộm cắp thông qua những mối làm ăn để tránh bị phát hiện); (ii) tài sản, đặc điểm, số lượng, giá trị tài sản bị trộm cắp; nơi tài sản được cất giữ, người biết về nơi cất giữ tài sản; các công cụ, phương tiện mà người phạm tội sử dụng khi trộm cắp tài sản; đặc điểm, nguồn gốc, nơi cất giấu công cụ, phương tiện sau khi phạm tội; vụ án có đồng phạm hay không, nếu có thì làm rõ vị trí, vai trò của từng đối tượng trong vụ án; (iii) mục đích, động cơ phạm tội và thái độ của người phạm tội đối với hành vi của mình, việc khắc phục, bồi thường thiệt hại; những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự của bị can; đặc điểm nhân thân của bị can (tuổi, nghề nghiệp, nơi cư trú, trình độ văn hóa, hoàn cảnh gia đình, tiền án tiền sự); mối quan hệ giữa người phạm tội và bị hại; nguyên nhân thực hiện hành vi trộm cắp tài sản...
Trong một vụ án hình sự cụ thể, Kiểm sát viên nghiên cứu, xem xét các chứng cứ, tài liệu đã thu thập được có trong hồ sơ, đối chiếu với các dấu hiệu cấu thành tội phạm và những vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự, bên cạnh đó, cần bám sát quá trình điều tra vụ án, phát hiện kịp thời các tình tiết mới phát sinh để bổ sung, bảo đảm cho việc điều tra được khách quan, toàn diện và đầy đủ.
Hai là, tổng hợp, phân loại các vấn đề cần yêu cầu điều tra.
Kiểm sát viên nghiên cứu tài liệu, chứng cứ đã thu thập được, đối chiếu với những vấn đề cụ thể phải chứng minh trong vụ án đã xác định được trước đó, rồi xem xét, đánh giá, tổng hợp và phân loại theo từng nhóm vấn đề sau để làm cơ sở cho việc xây dụng bản yêu cầu điều tra:
- Vấn đề chưa được chứng minh, làm rõ: Đó là các tình tiết cần phải chứng minh nhưng Cơ quan điều tra, Điều tra viên chưa điều tra làm rõ. Ví dụ: Bị can có dấu hiệu tâm thần nhưng chưa trưng cầu giám định pháp y; chưa tiến hành lấy lời khai người làm chứng quan trọng; chưa chứng minh được hung khí bị can đã sử dụng gây thương tích cho bị hại; chưa thu thập đầy đủ tài liệu về tiền án của bị can…
- Các mâu thuẫn trong hồ sơ chưa được giải quyết: Mâu thuẫn trong lời khai của bị can về công cụ, phương tiện và cách thức thực hiện hành vi; mâu thuẫn giữa lời khai của bị can và bị hại về đặc điểm, số lượng, giá trị tài sản bị chiếm đoạt, giữa lời khai bị hại và người làm chứng về đặc điểm của đối tượng, về ngày, tháng, năm sinh của bị can, bị hại trong các giấy tờ, tài liệu...
- Các vi phạm, thiếu sót về tố tụng: Biên bản hỏi cung, biên bản lấy lời khai tẩy xóa, viết sai ngày, tháng, năm; thiếu dấu bút lục; mời người chứng kiến chưa đúng quy định...
Để có thể phát hiện chính xác các vấn đề chưa được làm rõ, các mâu thuẫn trong hồ sơ cần được giải quyết, các vi phạm tố tụng cần được khắc phục đòi hỏi Kiểm sát viên phải lập hồ sơ kiểm sát chặt chẽ, đầy đủ và có phương pháp nghiên cứu hồ sơ khoa học. Theo tác giả, Kiểm sát viên nên phân loại các tài liệu, chứng cứ theo từng nhóm, từng tập như: Tập các quyết định tố tụng của vụ án; tập biên bản hỏi cung bị can; tập biên bản ghi lời khai bị hại; tập biên bản ghi lời khai người làm chứng. Khi nghiên cứu tài liệu, chứng cứ nào thì Kiểm sát viên đọc kỹ từng trang, kết hợp với việc trích cứu ngắn gọn nhưng đầy đủ nội dung của tài liệu, chứng cứ đó, nếu phát hiện tình tiết nào mâu thuẫn, chưa rõ ràng thì ghi lại để tổng hợp yêu cầu làm rõ. Đối với biên bản hỏi cung bị can, Kiểm sát viên nên trích cứu đầy đủ nội dung biên bản đầu tiên, còn với các biên bản sau thì chỉ cần trích cứu các tình tiết mới mà biên bản trước chưa có, các tình tiết mâu thuẫn, nội dung giống biên bản trước thì ghi chú lại tương tự đối với các biên bản ghi lời khai người tham gia tố tụng khác. Kiểm sát viên cũng cần so sánh các biên bản hỏi cung bị can với nhau và các biên bản ghi lời khai người tham gia tố tụng khác, đối chiếu biên bản ghi lời khai với biên bản khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, kết luận giám định, kết luận định giá tài sản... nhằm phát hiện các mâu thuẫn.
Ba là, xây dựng bản yêu cầu điều tra.
Sau khi đã nghiên cứu hồ sơ và tổng hợp các vấn đề cần phải yêu cầu điều tra trong vụ án, Kiểm sát viên tiến hành dự thảo bản yêu cầu điều tra. Bản yêu cầu điều tra bao gồm hai phần là căn cứ ban hành văn bản và các vấn đề yêu cầu Cơ quan điều tra tiến hành điều tra. Văn bản này phải thực hiện theo đúng Mẫu số 83/HS ban hành kèm theo Quyết định số 15/QĐ-VKSTC ngày 09/01/2018 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về mẫu văn bản tố tụng, văn bản nghiệp vụ thực hiện trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố.
Về nội dung văn bản yêu cầu điều tra, từ các vấn đề chưa rõ, chưa đầy đủ, có mâu thuẫn trong hồ sơ vụ án đã phát hiện được, Kiểm sát viên dự thảo những vấn đề mà Cơ quan điều tra cần phải tiến hành điều tra. Cụ thể:
- Các vấn đề mới cần điều tra: Kiểm sát viên nêu cụ thể các tình tiết chưa được làm rõ và các biện pháp điều tra phải thực hiện. Ví dụ: Bị can có dấu hiệu bệnh tâm thần nhưng chưa được điều tra làm rõ thì yêu cầu Cơ quan điều tra trưng cầu giám định pháp y tâm thần để xác định năng lực trách nhiệm hình sự của bị can; yêu cầu định giá đối với tài sản trộm cắp là chiếc điện thoại di động vì chưa được định giá.
- Yêu cầu giải quyết mâu thuẫn: Kiểm sát viên nêu rõ các tình tiết có mâu thuẫn, ở các tài liệu, chứng cứ nào. Ví dụ: Có mâu thuẫn trong lời khai của bị can và bị hại về đặc điểm, số lượng, giá trị tài sản bị chiếm đoạt nên yêu cầu cho đối chất giữa bị can và bị hại để làm rõ; mâu thuẫn về họ tên, ngày, tháng, năm sinh của bị can, bị hại trong giấy khai sinh, hộ khẩu, chứng minh nhân dân nên yêu cầu Cơ quan điều tra điều tra làm rõ.
- Yêu cầu điều tra để bổ sung, hoàn thiện thủ tục tố tụng: Kiểm sát viên nêu rõ thủ tục tố tụng nào chưa thực hiện; thủ tục nào đã thực hiện nhưng chưa đầy đủ; thủ tục có vi phạm thì vi phạm đó là gì, ở tài liệu, chứng cứ nào và biện pháp điều tra cần thực hiện. Ví dụ: Biên bản lấy lời khai bị hại lúc 8h30 phút ngày 12/9/2020 chưa ghi thời gian kết thúc việc lấy lời khai, bị hại có bổ sung lời khai nhưng biên bản chưa có chữ ký xác nhận của họ; bản tự khai ngày 20/11/2020 của bị can chưa có chữ ký của bị can và Điều tra viên.
Kiểm sát viên cần lưu ý yêu cầu điều tra cần ngắn gọn, rõ ràng, cụ thể, không viết tắt, tránh lối viết kiểu mệnh lệnh, các nội dung yêu cầu điều tra nên chia thành từng ý, sắp xếp theo mức độ quan trọng; cần chủ động trao đổi với Điều tra viên về dự thảo văn bản yêu cầu điều tra và đề nghị Điều tra viên có ý kiến về các nội dung yêu cầu điều tra, sau đó Kiểm sát viên tiến hành bổ sung thêm những điểm mới và sửa đổi những vấn đề yêu cầu điều tra chưa rõ, khó hiểu, không cần thiết, không thể thực hiện được hoặc các vấn đề Điều tra viên đương nhiên phải thực hiện.
Trong quá trình điều tra, Kiểm sát viên có thể ban hành nhiều văn bản yêu cầu điều tra nếu việc điều tra chưa được toàn diện, chưa đầy đủ. Kiểm sát viên cần nêu số, ngày, tháng, năm của các bản yêu cầu điều tra đã ban hành, những vấn đề mà các bản yêu cầu trước nêu ra nhưng chưa được thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ, có vi phạm và yêu cầu Điều tra viên khắc phục, đồng thời đưa ra các vấn đề mới phát sinh và yêu cầu Điều tra viên làm rõ.
Thứ tư, kiểm sát việc thực hiện và yêu cầu điều tra bổ sung.
Kiểm sát viên phải theo dõi chặt chẽ quá trình Điều tra viên thực hiện văn bản yêu cầu điều tra và nghiên cứu, đối chiếu các chứng cứ, tài liệu mà Điều tra viên thu thập được với văn bản yêu cầu điều tra, kịp thời có ý kiến khi Điều tra viên không thực hiện, chậm thực hiện hoặc thực hiện chưa đúng, chưa đầy đủ. Nếu Điều tra viên không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ yêu cầu điều tra, thì tùy từng trường hợp, Kiểm sát viên báo cáo, đề xuất lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện kiến nghị bằng văn bản với Thủ trưởng Cơ quan điều tra hoặc yêu cầu thay đổi Điều tra viên.
Kiểm sát viên và Điều tra viên phải phối hợp chặt chẽ, thường xuyên trao đổi với nhau về tiến độ, chất lượng thực hiện bản yêu cầu điều tra, các khó khăn, vướng mắc trong khi thực hiện, rồi cùng thống nhất biện pháp giải quyết.
Trước khi kết thúc điều tra, Kiểm sát viên đề nghị Điều tra viên chuyển hồ sơ để nghiên cứu, xem xét, bảo đảm cho việc điều tra được toàn diện và đầy đủ. Nếu có vấn đề chưa đầy đủ hoặc phát sinh tình tiết mới, Kiểm sát viên phải tiếp tục xây dựng, ban hành bản yêu cầu điều tra bổ sung và yêu cầu Điều tra viên thực hiện trước khi kết thúc điều tra./.
Ý kiến bạn đọc