Đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao, Chủ tịch Hội đồng khoa học VKSND tối cao khẳng định, việc tổ chức Hội thảo nhằm kịp thời thông tin, phổ biến kết quả nghiên cứu khoa học năm 2022; triển khai thực hiện các quy định mới của pháp luật về khoa học và công nghệ; tăng cường hiệu quả nghiên cứu khoa học trong thời gian tới đáp ứng nhiệm vụ trong giai đoạn mới. |
Tham dự Hội thảo có các đồng chí Kiểm sát viên VKSND tối cao; các đồng chí thành viên Hội đồng khoa học VKSND tối cao; đại diện lãnh đạo VKSQS Trung ương, các đơn vị thuộc VKSND tối cao, VKSND cấp cao, VKSND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương; Ban Chủ nhiệm các đề tài, đề án triển khai năm 2022, 2023 cùng tập thể lãnh đạo, công chức Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học (Vụ 14), VKSND tối cao.
Hội thảo được tổ chức bằng hình thức trực tuyến tại trụ sở VKSND tối cao và kết nối đến các điểm cầu VKS quân sự Trung ương, các cơ sở đào tạo trong Ngành, các VKSND cấp cao, VKSND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Báo cáo tại Hội thảo cho thấy, năm 2022, toàn ngành Kiểm sát nhân dân tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm, hiệu quả Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các chỉ đạo của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội; tập trung thực hiện tốt những yêu cầu của công tác tư pháp và cải cách tư pháp trong tình hình mới. Trước hết là việc tham gia xây dựng đề án và Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”; đồng thời, tiếp tục tăng cường chất lượng, hiệu quả công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, tập trung thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm, đấu tranh phòng, chống tham nhũng; đạt và vượt các chỉ tiêu công tác của Quốc hội giao; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong ngành Kiểm sát nhân dân và bảo đảm nguồn lực để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong tình hình mới với phương châm: “Đoàn kết, đổi mới - Trách nhiệm, kỷ cương - Thực chất, hiệu quả”.
Trong bối cảnh đó, yêu cầu đặt ra đối với các hoạt động nghiên cứu khoa học của ngành Kiểm sát nhân dân là tập trung làm rõ những vấn đề lý luận, thực tiễn về vị trí, vai trò, trách nhiệm của VKSND trong Nhà nước pháp quyền XHCN trong giai đoạn mới; tiếp tục nghiên cứu, tìm kiếm các giải pháp nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp; ba là, tăng cường thực hiện chủ trương “hướng về cơ sở” nhằm động viên tinh thần nghiên cứu khoa học, phát huy sức sáng tạo, nâng cao năng lực nghiên cứu của đội ngũ kiểm sát viên, VKSND cấp dưới trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ.
Đồng chí Hoàng Thị Quỳnh Chi, Kiểm sát viên VKSND tối cao, Vụ trưởng Vụ 14 VKSND tối cao báo cáo kết quả nghiên cứu khoa học năm 2022, việc triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học năm 2023 và một số định hướng cơ bản nghiên cứu khoa học năm 2024 của ngành Kiểm sát nhân dân. |
Việc triển khai thực hiện các đề tài khoa học, đề án hoàn thành năm 2022 được thực hiện tốt: 100% đề tài, đề án bảo đảm tốt tiến độ được giao; 100% đề tài, đề án đều bám sát mục tiêu, nhiệm vụ, yêu cầu nghiên cứu, coi trọng khảo sát, tổng kết thực tiễn và có sản phẩm ứng dụng cụ thể có tính khả thi, thực tiễn cao. Nhiều đề tài khoa học, đề án đề xuất nhiều hơn 1 sản phẩm ứng dụng, thậm chí 3-4 sản phẩm ứng dụng; nhiều sản phẩm được ứng dụng kịp thời trong thực tiễn ngay trong quá trình thực hiện đề tài. Tỉ lệ các đề tài, đề án được đánh giá, xếp loại ở mức xuất sắc chiếm tỉ lệ cao (71,4%) so với những năm gần đây. Đặc biệt, tỉ lệ xuất sắc rất cao của các nhiệm vụ nghiên cứu được thực hiện dưới hình thức đề án (90%), trong đó, đặc biệt tỉ lệ xuất sắc của các đề án đột xuất là 100%.
Về cách thức tổ chức nghiên cứu, nhìn chung, các đơn vị chủ trì nghiên cứu và Ban Chủ nhiệm đề tài khoa học, đề án đã có sự phối, kết hợp chặt chẽ trong quá trình tổ chức thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu. Nhiều đơn vị đã có những sáng tạo trong phối hợp tổ chức hoạt động nghiên cứu. Một số đơn vị, nhất là các VKSND cấp tỉnh đã có phương pháp nghiên cứu khoa học rất bài bản, xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch khảo sát thực tiễn công phu, nghiêm túc.
Có được kết quả đáng ghi nhận nêu trên, là do tinh thần trách nhiệm cao của các đơn vị chủ trì nghiên cứu trong chỉ đạo, tổ chức các nhiệm vụ nghiên cứu và tinh thần trách nhiệm, sự nhiệt huyết, say mê nghiên cứu khoa học của các thành viên Ban chủ nhiệm đề tài khoa học, đề án, cũng như sự phối, kết hợp chặt chẽ giữa đơn vị chủ trì, Ban Chủ nhiệm và đơn vị đầu mối về quản lý khoa học, nghiên cứu khoa học là Vụ 14 VKSND tối cao trong triển khai thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu.
Các điểm cầu Hội thảo trực tuyến của ngành Kiểm sát nhân dân. |
Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao, Chủ tịch Hội đồng khoa học VKSND tối cao nhấn mạnh, trong những năm qua, nhận thức về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của hoạt động nghiên cứu khoa học phục vụ công tác của ngành Kiểm sát ngày càng được nâng lên. Hoạt động nghiên cứu khoa học ngày càng được lãnh đạo các đơn vị, Viện kiểm sát các cấp xem là nhiệm vụ trọng tâm, phục vụ công tác tham mưu chiến lược, xây dựng Ngành, tăng cường chất lượng, hiệu quả công tác.
Đồng chí Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao cho rằng, để hiện thực hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, đòi hỏi các cấp Kiểm sát, các nhà khoa học phải suy nghĩ nhiều hơn và hành động nhiều hơn. Việc nghiên cứu cần mang tính tổng thể, toàn diện, hệ thống, tiếp cận đa chiều, tiếp thu kinh nghiệm quốc tế phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, tổng kết những kết quả đạt được, giải quyết những vấn đề lý luận và thực tiễn chưa được giải quyết, cung cấp những luận cứ mới cho việc thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp.
Trích Kiemsat.vn
Ý kiến bạn đọc