MỘT SỐ KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC TRONG VIỆC XÁC ĐỊNH TỘI DANH GIẾT NGƯỜI THUỘC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CHƯA ĐẠT ĐỐI VỚI HÀNH VI DÙNG HUNG KHÍ NGUY HIỂM ĐÂM VÀO VÙNG TRỌNG YẾU CỦA CƠ THỂ BỊ HẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM LIÊN QUAN ĐẾN ÁN LỆ 47

Thứ tư - 11/10/2023 04:21 3.478 0
1. Một số khó khăn, vướng mắc
Ngày 25/11/2021, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã thông qua Án lệ số 47/2021/AL và được Chánh án TAND tối cao công bố theo Quyết định số 594/QĐ-CA ngày 31/12/2021. Án lệ 47 dựa trên nguồn là Quyết định giám đốc thẩm số 15/2020/HS-GĐT ngày 07/8/2020 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao về vụ án “Giết người” đối với bị cáo Nguyễn Đình Đ.
Trong vụ án, Nguyễn Đình Đ mặc dù không có mâu thuẫn từ trước với bị hại là anh Cao Văn C và anh Dương Văn T1, nhưng từ lời nói của anh C Tao thích đánh nhau, thích đổ thêm dầu vào lửa đấy. Mày là thằng nào mà đến đây hổ báo”; Đ đã cầm dao (loại dao dùng làm hàng mây tre đan, chuôi gỗ dài 11cm, lưỡi bằng sắt dài 13,5cm, đầu mũi dao nhọn hơi cong, bản dao nơi rộng nhất 2,5cm) chỉ vào mặt anh C nói “Mày thích đánh nhau à” rồi dùng dao đâm một nhát vào bụng anh C làm anh C bỏ chạy. Tiếp đó Đ quay lại túm cổ áo anh T1 và cầm dao đâm anh T1, anh T1 bỏ chạy, Đ đuổi theo cầm dao đâm nhiều nhát vào người anh T1 làm anh T1 bị ngã sấp xuống đất, Đ tiếp tục dùng dao đâm 03 nhát vào lưng anh T1 đến khi anh T1 bất tỉnh. Mọi người đưa anh T1 và anh C đi cấp cứu nhưng anh T1 đã tử vong, anh C bị thương tích 05%. Tòa án cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm đã kết án Đ về tội Giết người theo điểm a và n khoản 1 Điều 93 BLHS năm 1999, tuyên tử hình đối với Nguyễn Đình Đ. Vụ án bị kháng nghị giám đốc thẩm nhưng Hội đồng xét xử giám đốc thẩm của TAND tối cao đã không chấp nhận kháng nghị, tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm, phúc thẩm đối với Nguyễn Đình Đ. Tình huống án lệ này là “Bị cáo dùng dao là hung khí nguy hiểm đâm vào vùng bụng của bị hại là vùng trọng yếu của cơ thể con người. Bị hại không chết là ngoài ý muốn chủ quan của bị cáo” và giải pháp pháp lý là “Trường hợp này, Tòa án phải xác định bị cáo chịu trách nhiệm hình sự về tội Giết người”.
Để thống nhất nhận thức trong việc áp dụng, vận dụng Án lệ số 47, TAND tối cao và VKSND tối cao có các hướng dẫn, cụ thể, như: Công văn số 49/TANDTC-PC ngày 22/3/2023, Công văn số 100/TANDTC-PC ngày 13/6/2023 của TAND tối cao về việc áp dụng Án lệ số 47/2021/AL và Công văn số 721/V14 ngày 25/11/2022 của Vụ 14 VKSND tối cao về tham gia ý kiến đối với việc xử lý các vụ án xâm phạm sức khỏe liên quan đến Án lệ 47. Theo đó, TAND tối cao và VKSND tối cao lưu ý để áp dụng, vận dụng Án lệ 47, ngoài việc chứng minh bị cáo sử dụng hung khí nguy hiểm tấn công vào vùng trọng yếu trên cơ thể nạn nhân, phải xem xét, đánh giá toàn diện các tình tiết thể hiện tính chất, mức độ hành vi, cơ chế hình thành vết thương, sự quyết liệt trong thực hiện hành vi, vị trí cơ thể nạn nhân mà bị cáo có ý định tấn công. Đồng thời, chứng minh được đến đâu thì xử lý đến đó, tránh việc gây oan, sai; việc áp dụng, vận dụng Án lệ 47 chỉ đối với những vụ án có tình huống, tình tiết diễn ra tương tự, không “cắt khúc” thời điểm, khoảnh khắc hành vi xảy ra để áp dụng xử lý.
Việc Án lệ số 47 được công bố đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc xử lý nghiêm đối với người có hành vi dùng hung khí nguy hiểm tấn công vào vùng trọng yếu trên cơ thể người khác theo hướng phạm tội giết người, là tội phạm đặc biệt nghiệm trọng, góp phần răn đe, giáo dục, phòng ngừa đối với loại tội phạm này, nhất là trong thời gian gần đây tình trạng các nhóm thanh thiếu niên có hành vi rủ rê, tụ tập, sử dụng hung khí đánh nhau đã và đang có chiều hướng gia tăng. Đồng thời, Án lệ 47 mang tính thực tiễn, khi đã có tình huống pháp lý tương tự thì việc áp dụng, vận dụng để giải quyết các vụ, việc được thuận lợi, nhanh chóng, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh.
Thực tiễn giải quyết các vụ, việc trên địa bàn tỉnh Quảng Nam thời gian qua thấy rằng các cơ quan tiến hành tố tụng hai cấp tỉnh vẫn còn gặp những khó khăn, vướng mắc trong việc xác định tội danh tội Giết người thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt, do còn quan điểm khác nhau trong việc hiểu, áp dụng, vận dụng Án lệ số 47. Bởi tình huống án lệ đưa ra đó là bị cáo dùng dao là hung khí nguy hiểm đâm vào vùng bụng của bị hại là vùng trọng yếu của cơ thể con người; bị hại không chết là ngoài ý muốn chủ quan của bị cáo. Nội dung của án lệ như vậy còn khá chung chung, chưa cụ thể về vùng trọng yếu, mức độ tổn hại sức khỏe của bị hại, cường độ tấn công, lỗi của người phạm tội…Đến nay đã có nhiều hướng dẫn lưu ý trong việc áp dụng, vận dung Án lệ số 47, tuy nhiên, mỗi vụ việc có tính chất, tình tiết, điều kiện, hoàn cảnh khác nhau nên một số trường hợp còn có quan điểm khác nhau trong đánh giá chứng cứ, xác định tội danh... Hơn nữa, việc chứng minh ý thức chủ quan, động cơ, mục đích của người thực hiện hành vi phạm tội sẽ rất khó khăn vì hầu hết đối tượng gây án đều không thừa nhận có mục đích, động cơ giết người. Do đó, yêu cầu đặt ra đối với các cơ quan tố tụng là phải chứng minh ý thức chủ quan thông qua hành vi khách quan để xác định chính xác tội danh, đây là vấn đề không hề đơn giản. Từ đó đã làm kéo dài thời gian và ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả trong giải quyết các vụ việc, như: việc Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng chưa đánh giá đúng tính chất, mức độ của hành vi phạm tội dẫn đến xác định không đúng tội danh giữa tội Cố ý gây thương tích và tội Giết người; nhiều vụ việc cơ quan tố tụng hai cấp phải họp liên ngành; báo cáo thỉnh thị ngành cấp trên; có trường hợp bản án bị cấp trên hủy để điều tra lại do xác định không đúng tội danh. Điển hình:
Vụ thứ nhất: Khoảng 20 giờ ngày 12/12/2018, Nguyễn Tấn L và Đỗ Phú V đang uống bia tại nhà L ở thôn BH, xã CH, TP. HA thì nghe tiếng nhạc ồn ào từ nhà ông Nguyễn Văn Th (cách nhà L khoảng 200m) đang tổ chức tiệc thôi nôi cho cháu. L rủ V qua nhà ông Th yêu cầu tắt nhạc thì V đồng ý. V điều khiển xe mô tô BKS: 92C1-278… chở L đi về hướng nhà ông Th, khi đi L có cầm theo một con dao (loại dao tự chế dài 80cm, trong đó: phần lưỡi dao bằng kim loại dài 60cm; cán dao bằng gỗ dài 20cm, đầu cán dao được bọc bằng kim loại). Khi đến nhà ông Th, L đã vô cớ gây sự và dùng dao chém anh Trương Công V (là khách dự tiệc nhà ông Th). Sau đó, L cầm dao trên tay trái rồi nhảy lên xe mà V đang đợi sẵn chở đi được 02m thì lưỡi dao rớt ra khỏi cán dao rơi xuống đất. L cúi xuống dùng tay trái nhặt con dao lên thì bị Trang Hùng A áp sát từ phía sau bên trái, dùng tay trái kẹp cổ, kéo L rời khỏi xe và dùng tay phải đánh liên tiếp vào vùng mặt, vùng đầu của L khoảng 02 đến 03 cái, vật L nằm ngữa xuống đường. A tiếp tục dùng lưỡi dao (do L mang đến) chém L 05 đến 06 nhát vào trúng vào vùng gáy, đầu, bụng, tay gây thương tích.
Kết quả giám định, Nguyễn Tấn L bị thương tích 38%, trong đó thương tích tại vùng đầu là 21% với thương tích chi tiết là vỡ lún sọ thái dương đỉnh trái, tụ máu dưới màng cứng thái dương trái, tụ khí nội sọ. Theo Trung tâm giám định pháp y xác định: Vùng đầu là vùng nguy hiểm, tổn thương nặng có thể dẫn đến chết người, nhưng trong trường hợp này bệnh nhân Nguyễn Tấn L đã được cấp cứu và điều trị kịp thời nên tránh được tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.
Quá trình giải quyết vụ án, Cơ quan tố tụng TP. HA xử lý hành vi của A về tội Cố ý gây thương tích quy định tại khoản 3 Điều 134 Bộ luật Hình sự. Sau đó, TAND tỉnh xét xử theo thủ tục phúc thẩm (bị cáo A kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt) đã quyết định hủy Bản án hình sự sơ thẩm của TAND TP. HA để điều tra, truy tố xét xử lại đối với A về tội Giết người theo Điều 123 Bộ luật Hình sự. Vụ án đã được TAND tỉnh đưa ra xét xử tuyên phạt A 05 năm tù về tội Giết người quy định tại khoản 2 Điều 123 Bộ luật Hình sự; bản án đã có hiệu lực pháp luật.
Trong vụ án nêu trên, bị cáo A có hành vi sử dụng lưỡi dao tự chế là hung khí nguy hiểm chém liên tục nhiều nhát vào vùng đầu là vùng nguy hiểm trên cơ thể bị hại L hoàn toàn có khả năng dẫn đến chết người. Tuy nhiên, do anh L đã được cấp cứu và điều trị kịp thời nên không nguy hiểm đến tính mạng. Hành vi của A đã đủ yếu tố cấu thành tội Giết người quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, Cơ quan tố tụng thành phố HA chưa đánh giá đúng tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo Trang Hùng A nên xác định chưa đúng tội danh.
Vụ thứ hai: Khoảng 15 giờ ngày 28/3/2022, Trương Văn T cùng một số người khác ngồi uống nước tại quán của bà Trương Thị H thôn TP, xã ĐC, huyện ĐL. Lúc này, ông Nguyễn Trung D đi đến phía trước quán nước của bà H để lấy xe mô tô mà ông D để tại đây. Ông D đến vị trí xe mô tô đạp nổ máy xe, do ống pô (ống xả) của xe phát ra tiếng nổ to và nhiều khói nên Trương Văn T nói lớn ra với ông D:dắt xe về nhà nẹt, để chỗ cho họ uống nước”, thì ông D nói lại với T là: ta thích để xe ở đây”. Nghe vậy, T đứng dậy, tay phải cầm vỏ chai nước ngọt bằng thủy tinh nhãn hiệu Sting đang để trên bàn, rồi đi từ bên trong quán ra đến chỗ ông D. Lúc này, ông D đang trong tư thế ngồi để sửa xe, T đi đến tay trái nắm lấy cổ áo ông D kéo ông D đứng dậy (cả hai đứng đối diện nhau, đầu ông D hơi nghiêng về bên trái của T), tay phải của T cầm cổ vỏ chai thủy tinh đưa lên cao rồi đánh phần đáy chai 01 cái theo hướng từ trên trúng vào vùng đỉnh đầu bên trái của ông D gây thương tích, chảy máu nên ông D dùng hai tay để ôm đầu. Sau đó, ông D điều khiển xe máy đến Trạm y tế xã để khám, xử lý vết thương đồng thời trình báo Cơ quan Công an xã ĐC về sự việc. Theo kết quả giám định, ông Nguyễn Trung D bị thương tích 07%, trong đó thương tích tại vùng đầu là 05%. Trung tâm Pháp y đánh giá tính chất thương tích: Vùng đầu là vùng nguy hiểm (trọng yếu) vì liên quan tương ứng bên trong xương sọ là tổ chức não. Tuy nhiên trong trường hợp này có vết thương phần mềm vùng đỉnh trái chỉ gây chấn động não đã được điều trị nội khoa ổn định, nếu không cấp cứu kịp thời cũng không gây nguy hiểm đến tính mạng.
Liên ngành tố tụng huyện ĐL xác định hành vi của T phạm tội Giết người theo Điều 123 Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, trong vụ án này, mặc dù T đã có hành vi dùng hung khí nguy hiểm là 01 vỏ chai nước ngọt đánh 01 cái vào vùng đầu (là vùng trọng yếu trên cơ thể) của ông D, gây thương tích 07% nhưng T chỉ đánh 01 cái vào đầu ông D với lực tác động vừa phải, thể hiện ở việc vỏ chai thủy tinh không bị bể và chỉ gây ra vết thương rách dập da với tỷ lệ 02% và gây nên tình trạng chấn động não đã được điều trị với tỷ lệ 05%; vết thương không gây tổn thương đến xương hộp sọ và tổ chức não bên trong nên không có khả năng dẫn đến chết người. Sau đó, T tự ý dừng lại vứt vỏ chai xuống nền bê tông chứ không tiếp tục tấn công ông D mặc dù ông D không phản kháng và cũng không có ai can ngăn. Với diễn biến khách quan vụ án, cường độ tấn công và tính chất thương tích của ông D thể hiện T hoàn toàn không có ý thức tước đoạt tính mạng của ông D. Do đó, liên ngành cấp tỉnh đã xác định T phạm tội Cố ý gây thương tích và chuyển vụ án về lại Cơ quan CSĐT Công an huyện để giải quyết. Vụ án đã được TAND huyện đưa ra xét xử tuyên phạt T 21 tháng tù giam về tội Cố ý gây thương tích.
Qua vụ án nêu trên, thấy rằng Cơ quan tố tụng cấp huyện với nhận thức: dùng hùng khí nguy hiểm tấn công vùng nguy hiểm trên cơ thể người khác là cấu thành tội Giết người; trong khi đó chưa đánh giá đầy đủ, toàn diện các tình tiết, diễn biến của vụ án như cường độ tấn công, đặc điểm tính chất của thương tích của bị hại và ý thức chủ quan của người thực hiện hành vi phạm tội. Từ đó, Cơ quan tố tụng chưa đánh giá đúng tính chất, mức độ hành vi phạm tội mà bị can gây ra dẫn đến vấn đề xác định tội danh chưa chính xác.
2. Một số giải pháp
Một là, cần tăng cường công tác lãnh, chỉ đạo trong quá trình giải quyết nguồn tin về tội phạm và vụ án hình sự, nhất là đối với các vụ án Cố ý gây thương tích, Giết người. Lãnh đạo đơn vị cần tiếp tục quán triệt đến cán bộ, Kiểm sát viên nắm vững nội dung Án lệ 47 và các văn bản hướng dẫn áp dụng, vận dụng án lệ. Theo đó, để áp dụng, vận dụng Án lệ 47, ngoài việc chứng minh bị cáo sử dụng hung khí nguy hiểm tấn công vào vùng trọng yếu trên cơ thể nạn nhân, cần chứng minh được ý thức muốn tước đoạt tính mạng của nạn nhân hoặc có thái độ bỏ mặc, bất chấp hậu quả, xem thường tính mạng của bị hại, thể hiện qua các tình tiết khác như: tính chất, mức độ, cường độ tấn công, tương quan lực lượng giữa hai bên; sự quyết liệt khi thực hiện hành vi phạm tội; sự tiếp nhận ý chí khi thực hiện hành vi; nhận định xác định về lỗi cố ý khi thực hiện hành vi…khi đó, hậu quả bị hại không chết là nằm ngoài ý muốn chủ quan của bị cáo. Đồng thời phải hết sức thận trọng khi áp dụng Án lệ số 47, đặc biệt đối với các vụ việc mà bị hại có tỷ lệ thương tích dưới 11%, có đơn không yêu cầu khởi tố vụ án phải hết sức chặt chẽ, đảm bảo đánh giá đúng 04 yếu tố cấu thành tội phạm để xử lý đúng tội danh; vì trong trường hợp này nếu định tội Cố ý gây thương tích, trong khi hành vi cấu thành tội Giết người thì có thể không bị xử lý hình sự do bị hại rút yêu cầu khởi tố sẽ bỏ lọt tội phạm, hoặc nếu định tội Giết người, trong khi hành vi chỉ cấu thành tội Cố ý gây thương tích mà không có yêu cầu khởi tố thì dẫn đến xử lý hình sự oan, sai. Do đó trong từng vụ việc cụ thể, Kiểm sát viên cần phải đánh giá đầy đủ các tài liệu, chứng cứ thu thập được, nhất là không được quá phụ thuộc vào dấu hiệu“sử dụng hung khí nguy hiểm tấn công vào vùng trọng yếu” hoặc căn cứ vào “kết quả giám định, giải thích của Cơ quan giám định thương tích” mà không xem xét toàn diện các tình tiết có liên quan thì sẽ dẫn đến việc xác định tội danh không chính xác.
Hai là, cán bộ, Kiểm sát viên trong quá trình phân công thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết nguồn tin về tội phạm và các vụ án hình sự về tội Cố ý gây thương tích, Giết người cần tăng cường hơn nữa trách nhiệm công tố trong quá trình giải quyết vụ việc, nhất là trong giai đoạn tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm theo chỉ đạo tại Chỉ thị số 05/CT-VKSTC ngày 27/4/2020 của Viện trưởng VKSND tối cao về tăng cường trách nhiệm công tố trong giải quyết các vụ án hình sự, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm; nâng cao tinh thần trách nhiệm, phát huy tính chủ động trong việc nghiên cứu hồ sơ vụ, việc để đề ra yêu cầu xác minh có chất lượng, bám sát nội dung vụ việc; kiểm sát chặt chẽ hoạt động xác minh, điều tra thu thập tài liệu chứng cứ đảm bảo đầy đủ, kịp thời cho việc giải quyết vụ việc.
Ba là, tăng cường công tác phối hợp liên ngành, kịp thời phân tích, đánh giá những vướng mắc phát sinh, qua đó thống nhất giải pháp thực hiện. Đối với những các vụ việc mà Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán nhận thấy có khó khăn về đánh giá chứng cứ, xác định tội danh thì kịp thời báo cáo lãnh đạo đơn vị mình để tổ chức họp liên ngành cùng cấp nhằm thống nhất hướng giải quyết; trường hợp không thống nhất được thì báo cáo thỉnh thị VKSND cấp trên hoặc báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Liên ngành cấp trên hướng dẫn để thống nhất thực hiện.
 Bốn là, chú trọng công tác sơ, tổng kết thực tiễn xử lý loại tội phạm Giết người, Cố ý gây thương tích; bên cạnh đó quan tâm đến việc tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề để có những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác xử lý loại tội phạm này; đồng thời tổng hợp kiến nghị cấp có thẩm quyền bổ sung, sửa đổi quy định của pháp luật và ban hành các văn bản hướng dẫn để tạo nhận thức và áp dụng pháp luật được thống nhất.
Hàng quý, VKSND tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội nghị giao ban với Cơ quan điều tra để kịp thời giải quyết các vụ việc có khó khăn, vướng mắc. Riêng tháng 6 năm 2023, VKSND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học Chuyên đề Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về định tội danh đối với tội Giết người (trong trường hợp phạm tội chưa đạt) tại tỉnh Quảng Nam; khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị, Hội thảo mời lãnh đạo VKSND tối cao, Vụ nghiệp vụ VKSND tối cao, VKSND Cấp cao và các cơ quan tố tụng hai cấp tỉnh. Qua hội thảo, liên ngành hai cấp đã có sự thống nhất về nhận thức trong đánh giá chứng cứ, áp dụng, vận dụng Án lệ 47 để xác định tội danh Giết người thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt đối với hành vi dùng hung khí nguy hiểm tấn công vào vùng trọng yếu của cơ thể bị hại.
Năm là, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm năng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên của VKSND hai cấp. Trong đó, VKSND cấp dưới chú trọng việc cập nhật, phổ biến đến công chức trong đơn vị các thông báo rút kinh nghiệm của VKSND cấp trên trong quá trình xử lý các vụ việc cụ thể để nghiên cứu, vận dụng trong thực tiễn, đây là một trong những phương pháp tự đào tạo và rất thiết thực, hiệu quả để nâng cao kỹ năng, kinh nghiệm trong quá trình công tác./.

                                            Quyết Thắng - Hồng Loan - Ngọc Đức
                                                    VKSND tỉnh Quảng Nam

 

Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây